Đề nghị chính sách đặc thù cho di dân vùng dự án điện hạt nhân

Chính sách cho di dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong nhiều chính sách đặc thù được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào sáng ngày 14/2.

Mong chính sách tốt nhất cho người dân

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, vào sáng ngày 14/2/2025 Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Một trong 11 chính sách, cơ chế đặc thù được Ninh Thuận đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết về chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đó là “Cho áp dụng mức giá thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, di dân tái định cư và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần”.

 Các vườn nho xanh biếc của người dân tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải -địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Các vườn nho xanh biếc của người dân tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải -địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đề xuất này của tỉnh nhằm mong muốn có chính sách tốt nhất cho người dân vùng dự án vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi sau hơn 15 năm dự án được quy hoạch, phê duyệt rồi tạm dừng chủ trương và giờ tiếp tục triển khai.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng diện tích quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 là 1.642,22 ha, đã tác động đến 1.288 hộ/4.911 khẩu tại thời điểm phê duyệt quy hoạch 2009, đến nay đã có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 31 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để ổn định đời sống cho người dân, ngày 31/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2023 trung ương đã phân bổ cho Ninh Thuận khoảng 273 tỷ đồng để đầu tư cho 18 dự án cơ sở hạ tầng phục vụ người dân.

Ninh Thuận vì cả nước, mong cả nước cũng vì Ninh Thuận

Phát biểu giải trình tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội thẩm tra Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 08 tháng 02 năm 2025 về các cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào tối ngày 12/2/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Ngay sau khi có chủ trương tái khởi động dự án, tỉnh đã tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ hơn, cơ bản người dân ủng hộ, đồng thuận cao với chủ trương của nhà nước. Tỉnh đã gửi 2.000 phiếu lấy ý kiến của người dân vùng dự án, có đến 90% người dân đồng thuận, còn lại do người dân chưa nắm rõ thông tin.

Ông Trần Quốc Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban KHCN&MT diễn ra vào tối ngày 12/2. Ảnh: Thu Hường

Ông Trần Quốc Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban KHCN&MT diễn ra vào tối ngày 12/2. Ảnh: Thu Hường

Ngày 11/2/2025 tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm kê đất đai chuẩn bị cho công tác thu hồi đất, di dân giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án. Theo đó, sẽ có khoảng 150 ha đất phục vụ công tác di dời dân và khoảng 800 ha cho xây dựng nhà máy, Ninh Thuận sẽ phải hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 ha trong năm 2025 với thời gian 10-11 tháng. Đây là thách thức lớn với tỉnh nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên”- ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Trước đó, ngay sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Ninh Thuận vào ngày 5/12/2024, phóng viên của Báo Công Thương đã về trực tiếp gặp gỡ người dân tại vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hàn - Trưởng thôn Thái An, xã Vĩnh Hải cho biết: Nhân dân đồng thuận và luôn sẵn sàng tâm thế di dời bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên Nhân dân kiến nghị về nơi ở mới phải tốt nhất và đời sống phải được ổn định sinh kế lâu dài, để người dân thật sự an tâm khi di dời.

Ông Nguyễn Hàn - Trưởng thôn Thái An. Ảnh: Lê Sơn

Ông Nguyễn Hàn - Trưởng thôn Thái An. Ảnh: Lê Sơn

“Chúng tôi đã vì cách mạng, đi theo cách mạng để tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã hy sinh xương máu thì cũng sẵn sàng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm dự án điện hạt nhân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đây là đất đã được người dân sử dụng lâu năm, trải qua hơn 15 năm dừng dự án, những quyền lợi chính đáng của người dân không được hưởng như: Phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, cấp phép các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế, xây dựng, làm nhà, canh tác… đều bị dừng”- ông Hàn cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định, thiệt thòi của bà con vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là rất lớn. Qua khảo sát, mong muốn của người dân là dự án sớm được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành theo thời hạn mà Chính phủ đề ra. Đất thuộc vùng dự án người dân đã sinh sống, canh tác lâu dài, là vùng ven biển người dân mong nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp đảm bảo tốt nhất cho dự án và người dân như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi về thăm và làm việc với chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận vào tháng 12/2024.

Đồng thời, để tránh một tỉnh có 2 nền kinh tế, Ninh Thuận cũng đề nghị Trung ương cần có chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng để tỉnh thu hút phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng của tỉnh Ninh Thuận.

Người dân thôn Thái An đã chia sẻ tâm tư nguyện vọng với phóng viên Báo Công Thương (áo trắng). Ảnh: Lê Sơn

Người dân thôn Thái An đã chia sẻ tâm tư nguyện vọng với phóng viên Báo Công Thương (áo trắng). Ảnh: Lê Sơn

Ông Nam mong rằng: “Nhân dân Ninh Thuận đã vì cả nước, mong rằng cả nước cũng vì Ninh Thuận để Ninh Thuận phát triển một cách bền vững”.

Trước đó, ngày 15/1/2025, Ban chỉ đạo xây dựng dự án điện hạt nhân đã họp phiên thứ nhất. Tại phiên họp, Thủ tướng giao tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng Sân bay lưỡng dụng Thành Sơn (Ninh Thuận). Cùng với đó, cần chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao… để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án. Đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào sáng 4/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, như vậy để đảm bảo dự án hoàn thành và vận hành vào năm 2030, thì toàn bộ mặt bằng phải được hoàn thành giải phóng trong năm 2025.

Thông thường các dự án điện hạt nhân trên thế giới cần 8-12 năm để hoàn thành, tuy nhiên để đảm bảo dự án hoàn thành trong 5 năm bao gồm cả giải phóng mặt bằng, do vậy để đảm bảo tiến độ dự án, Ninh Thuận rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên”- ông Nam khẳng định.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, vào sáng ngày 14/2/2025 Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngày 15/2 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Ngày 19/2 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nghi-chinh-sach-dac-thu-cho-di-dan-vung-du-an-dien-hat-nhan-373696.html