Để Hà Nội bước xa và vững chắc hơn nữa, xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính), từ năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2 cùng hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Dấu ấn phát triển kinh tế, xã hội trong suốt 70 năm
GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước. Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn.
Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước. Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là thành phố vì hòa bình và đến năm 2000 thì được vinh danh là Thủ đô anh hùng.
Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh.
Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Hà Nội phát triển mạnh mẽ sau khi mở rộng địa giới hành chính
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) TS. Lê Quốc Phương cho biết trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đúng đắn của Thủ đô.
Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội hiện có một hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh.
PGS.TS Bùi Thị An đánh giá, từ khi có Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tính đến hôm nay đã được 16 năm 2 tháng. Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi có thể nói là đột biến, thay da đổi thịt, một cách toàn diện, không chỉ người Thủ đô mà cả bạn bè trong khu vực phải thừa nhận. Bình quân tăng trưởng GDP của Hà Nội luôn cao hơn mức chung của cả nước, luôn là đơn vị dẫn đầu về kinh tế theo đúng như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, từ việc ăn, ở cho tới học hành, vui chơi giải trí… Số thu ngân sách hàng năm tăng lên rõ rệt, có những năm tăng cao hơn cả số thu của TP. Hồ Chí Minh.
Cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn: Tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại. Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện ở xa như Phúc Thọ, Ba Vì… thì ô tô có thể vào tận cửa.
Nhìn lại có thể thấy, chính sự phát triển của hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm cho kinh tế Thủ đô phát triển. Song song đó, hạ tầng giáo dục, hạ tầng văn hóa, hạ tầng y tế… cũng đều có những thay đổi đột phá. TP.Hà Nội hiện đã có tới 2.000 trường học các cấp. Cùng với đó, an sinh xã hội của Thủ đô Hà Nội cũng có những điểm nhấn trong phát triển.
“Tôi cho rằng chính nhờ có sự nỗ lực không ngừng của Nhân dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, đã đưa Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên.”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.