Đẩy nhanh tiến độ thi công hai đoạn cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP kịp thông xe dịp 30/4
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Nhà đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công hai đoạn cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP gồm cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt kịp thông xe vào dịp 30/4/2024.
Cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe sẽ rút ngắn thời gian di chuyển hơn 1 tiếng
Vừa qua, đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã đến kiểm tra công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đoạn từ Diễn Châu vào đến quốc lộ 46B (dài khoảng 30km) có thể thông xe vào dịp 30/4/2024, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng đoạn 5km do phát sinh lún quá lớn nên buộc phải hoàn thành muộn hơn. Bộ cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tập trung vật liệu thiết bị để khi đảm bảo kỹ thuật là thi công luôn, mục tiêu phải hoàn thành nốt đoạn quốc lộ 46B đến cuối tuyến vào dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua nhiều đồi núi, sông hồ, là một trong những đoạn đẹp nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, quá trình thi công các đơn vị thi công vừa phải đảm bảo tiến độ chất lượng, vừa phải giữ cảnh quan môi trường, để sau khi hoàn thành sẽ có một tuyến đường xanh, đẹp.
Đến ngày 30/4, sau khi cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe thêm 30km sẽ nối dài tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP Vinh, tỉnh Nghệ An, cự ly đoạn tuyến là 300km. Thời gian ô tô di chuyển chỉ còn khoảng 3 tiếng rưỡi, rút ngắn hơn 1 tiếng so với di chuyển trên Quốc lộ 1.
Còn với đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này kết nối đoạn Nha Trang - Cam Lâm với Vĩnh Hảo - Phan Thiết nối mạch thông suốt, rút ngắn hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Nam Trung bộ và ngược lại.
Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Nhà đầu tư, các nhà thầu phải tiếp tục làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn tiến, không bàn lùi". Đặc biệt, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu trong quá trình thi công, song song với việc đẩy nhanh tiến độ phải đảm bảo chất lượng công trình, coi chất lượng là số 1, là trên hết.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình
Ngay sau buổi kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo đó, đối với Dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khởi công tháng 9/2021 với tổng chiều dài 78,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng.
Tính đến trung tuần tháng 2/2024, sản lượng thi công dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt gần 95% giá trị hợp đồng. Dự án đang chậm tiến độ khoảng 0,5% theo tiến độ điều chỉnh lần 2. Một số hạng mục chậm tiến độ như: công tác triển khai thi công trạm thu phí, hệ thống ITS, nút giao Thuận Nam, một số vị trí đường gom bổ sung (hiện đang hoàn thiện phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh).
Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021 với tổng chiều dài 49,3 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Dù đã trải qua 86% tổng thời gian thi công (31/36 tháng), song, sản lượng thi công vẫn chưa đạt 71% giá trị hợp đồng, chậm 3,6% so với tiến độ điều chỉnh lần 4.
"Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp và có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng các tồn tại vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết triệt để. Các hạng mục quan trọng tiếp tục chậm tiến độ như: Xử lý đất yếu chậm khoảng 5 tháng, hầm Thần Vũ chậm khoảng 2 tháng, cầu Hưng Đức chậm khoảng 2 tháng" - Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Nhằm đảm bảo thời gian về đích, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ chi tiết các khối lượng của từng gói thầu, hạng mục chưa thi công hoàn thành tương ứng với thời gian còn lại. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường nguồn lực tranh thủ thời tiết thi công 3 ca liên tục.
"Hội đồng quản trị của doanh nghiệp dự án phải điều phối giữa các nhà thầu hỗ trợ lẫn nhau (điều phối máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu, nhân lực, phụ trợ thi công,…) trong quá trình triển khai thi công" - Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Với Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát tiến độ chi tiết do nhà thầu lập; tăng cường cán bộ có kinh nghiệm quản lý, theo dõi hợp đồng, kịp thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, phê bình và xử lý nhà thầu vi phạm tiến độ theo quy định.
Bên cạnh đó, phải cử cán bộ làm việc với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thống nhất các biện pháp đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng đã thi công cho các nhà thầu đáp ứng tiến độ và tuân thủ quy định, không để tình trạng nhà thầu gặp khó khăn, vướng mắc về tài chính để thi công các hạng mục tiếp theo.
"Mục tiêu đặt ra là phải phấn đấu hoàn thành 30km từ nút giao Quốc lộ 7 đến nút giao Quốc lộ 46B (đi về TP Vinh) trước ngày 30/4/2024. Đoạn còn lại (19km) có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau ngày 30/4" - Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Đối với dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông vận tải đề nghị nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án phải có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đoạn Km54 - Km92+260; Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh (hệ thống trạm thu phí, nút giao Thuận Nam, các vị trí đường gom bổ sung) để triển khai thi công đáp ứng tiến độ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về tình hình triển khai 6 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 3 tỉnh này và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 519 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.
Đường dây này được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024, để tăng cung ứng điện cho miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như cao điểm hè năm 2023.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay với dự án là thủ tục chuyển đổi đất rừng, quy định tác động vào rừng để mở đường tạm phục vụ thi công của từng dự án thành phần; công tác thi công có những khó khăn về huy động máy móc thiết bị…