Đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo di tích

Di tích lịch sử, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Đoàn viên, thanh niên tham quan, dâng hương tại Di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Ny

Đoàn viên, thanh niên tham quan, dâng hương tại Di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Ny

Mặc dù việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được các cấp, các ngành quan tâm, song trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều di tích xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo.

Nhiều di tích xuống cấp

Di tích Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Di tích gồm 2 phần là khu đền thờ và khu mộ. Khu vực đền thờ đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trùng tu và tôn tạo. Tuy nhiên, khu mộ không có trong các hạng mục trùng tu, tôn tạo nêu trên. Trải qua thời gian dài tồn tại, chịu sự tác động của thời tiết mưa nắng, hiện nay một số hạng mục kiến trúc tại khu mộ đã bị xuống cấp.

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL) đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng khu mộ Nguyễn Hữu Cảnh. Đoàn khảo sát ghi nhận, màu sơn toàn bộ phần mộ bị bạc màu, tường bao bị nứt. Phần nền trong khu mộ láng vữa xi măng bị rêu mốc, các con kỳ lân trên trụ trước mộ bị mất, hàng rào xây bằng gạch bị gãy, nứt nhiều đoạn; đoạn mặt trước đã bị đổ hoàn toàn; các khung hàng rào bằng sắt thép bị gỉ sét, gãy. Trụ cổng bị lún nghiêng, cánh cổng và khung bảng bên trên được làm bằng sắt đã bị hư hỏng...

Khu mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) là hạng mục di tích gốc có kiến trúc đơn giản, bằng vật liệu kiên cố, sẵn có của địa phương. Hiện nay, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khu mộ và hệ thống cổng tường rào được xây dựng đã lâu, nhiều vị trí bị lún, nứt cần được tu sửa cấp thiết để bảo tồn lâu dài tối đa các yếu tố di tích gốc và an toàn cho người dân đến sinh hoạt tín ngưỡng.

Mới đây, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Sư đoàn 302 (Quân khu 7) tổ chức khảo sát thực trạng di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ. Qua khảo sát, một số hạng mục công trình tại di tích đã bị xuống cấp, rêu mốc (khu đài tưởng niệm, các bức phù điêu, tường rào, nhà bia ghi danh…) cần được tu bổ, sửa chữa nhằm giữ gìn hiện trạng và phục vụ công tác quản lý, duy trì hoạt động của di tích.

Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức được đề xuất xây dựng trên khu đất thuộc phường Trung Dũng, có tổng diện tích đất khoảng 6.322m2 và đầu tư, xây dựng mới gồm nhiều hạng mục. Do tính chất quan trọng của quần thể mộ hợp chất hiện hữu tại khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Sở VH-TTDL đã đề nghị UBND thành phố Biên Hòa khi triển khai lập dự án quan tâm, lưu ý đặc biệt đến việc bảo tồn các yếu tố gốc thuộc di tích.

Đề xuất chủ trương trùng tu, tôn tạo

Trên cơ sở hiện trạng xuống cấp của các di tích, các đơn vị được phân cấp quản lý di tích đã có báo cáo, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh chủ trương thực hiện trùng tu, tôn tạo.

Chẳng hạn, đối với di tích Đoàn 125, đơn vị khảo sát đã đề xuất UBND tỉnh giao Sở VH-TTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu biện pháp trùng tu, nâng cấp một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, có biện pháp hỗ trợ nguồn kinh phí cho Sư đoàn 302 để đảm bảo duy trì và chăm sóc cảnh quan, môi trường, phục vụ các hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, đơn vị khảo sát đề nghị Sở VH-TTDL phối hợp với Sư đoàn 302 xác định nội dung, biện pháp, chương trình hoạt động để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân về truyền thống cách mạng của dân tộc và mối quan hệ đoàn kết quốc tế Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, ngành Văn hóa đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, lộ trình đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chủ trương, báo cáo kinh tế kỹ thuật theo lộ trình.

“Năm 2024, chúng tôi có hàng loạt dự án trùng tu, tôn tạo di tích đang triển khai. Trong đó, tại thành phố Biên Hòa có Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Dự án Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội, mộ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh; tại huyện Tân Phú có Dự án Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, xã Phú Sơn… Bên cạnh đó, hàng loạt di tích trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp để tham mưu UBND tỉnh chủ trương đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích” - ông Ân nói.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/day-manh-trung-tu-ton-tao-di-tich-5325b83/