Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự linh hoạt, sáng tạo cho địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM cho biết, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả các Chương trình.

Người dân phải được thụ hưởng tối đa lợi ích từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

- "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023. Là Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của cuộc giám sát này?

- Với tầm quan trọng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã quyết định tiến hành giám sát tối cao chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Như chúng ta đã biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với phạm vi rộng, cùng những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp. Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình ban hành chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh các Chương trình mục tiêu quốc gia đều đang bị chậm tiến độ so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo đến thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ, đoàn công tác, tiến hành giám sát, làm việc trực tiếp với Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 địa phương đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình; khảo sát đến tận các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn và trao đổi với người dân, hộ gia đình thụ hưởng.

Kết quả giám sát đã được thể hiện trong bản Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, trong đó đã khẳng định, nêu bật nhiều kết quả hết sức quan trọng. Và cái “được” lớn nhất, theo tôi, chính là Quốc hội đã đồng hành hiệu quả cùng Chính phủ, xác định để giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện các Chương trình. Nhiều vấn đề về thể chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý ngay trong quá trình diễn ra giám sát; rất nhiều văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo kiến nghị của Đoàn giám sát.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát này, trong đó xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, chủ yếu để nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình.

- Tiếp nối Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, để tiếp tục tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này cho thấy rất rõ quyết tâm của Quốc hội, theo đúng tinh thần "đã truy đến cùng thì gỡ đến cùng"..., thưa ông?

- Ngay từ khi bắt đầu chuyên đề giám sát này, Đoàn giám sát của Quốc hội luôn thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt, đó là đồng hành với Chính phủ, cùng xác định, phân tích và tìm cách tháo gỡ, giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng tới mục tiêu cuối cùng là người dân phải được thụ hưởng tối đa lợi ích từ các Chương trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều này được thể hiện ngay trong Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này, trong đó đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ cùng các cơ quan của Quốc hội xây dựng một dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm khảo sát thực tế tại huyện Chư Păh, Gia Lai về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Với tinh thần hết sức khẩn trương và sự phối hợp chặt chẽ, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong khoảng thời gian rất ngắn đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết kịp thời trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, với 92,29% số đại biểu biểu quyết tán thành.

Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện các Chương trình. Đúng như yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết, vấn đề bây giờ là Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần hết sức khẩn trương, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, phát huy tối đa mục đích, ý nghĩa của các Chương trình.

Với sự đồng hành của Quốc hội cùng quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ cũng như các địa phương và Nhân dân, tôi tin rằng, trong 2 năm còn lại, những “điểm nghẽn” trong thực hiện các Chương trình sẽ được khai thông, mang lại chuyển biến rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, yếu thế, khó khăn; thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa các vùng, miền; phát huy tối đa lợi thế vùng miền, tiềm năng to lớn trong Nhân dân theo chủ trương Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Phối hợp thực hiện phân định miền núi, vùng cao

-Hội đồng Dân tộc được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Việc triển khai nhiệm vụ này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và HĐND các cấp đã không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thông qua năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục, góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, Luật năm 2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã thành lập ngay và phân công nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập lập đề nghị xây dựng Luật; ban hành Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật, Kế hoạch tổng kết thi hành Luật.

Sau chưa đầy 3 tháng từ Phiên họp thứ Nhất, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã rất khẩn trương triển khai nhiều công việc phục vụ hoàn thiện bước đầu Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật, nhất là đã hoàn thành tổng kết thi hành Luật trong phạm vi toàn quốc, chuẩn bị dự thảo Báo cáo tổng kết công phu, chi tiết, gồm gần 80 trang và các Phụ lục kèm theo; cơ bản đã đánh giá, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu và nhất là các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật của các cơ quan, địa phương.

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật, các tài liệu khác của hồ sơ lập đề nghị cũng đang tiếp tục được hoàn thiện, gồm: Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Tờ trình lập đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Đề cương chi tiết Luật, Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động giám sát của Quốc hội, Nghị viện một số quốc gia. Các tài liệu này cũng đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, gửi lấy ý kiến Chính phủ, các cơ quan hữu quan, đối tượng chịu tác động để tiếp tục hoàn thiện, trước khi gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 tới theo đúng kế hoạch.

- Cùng với nhiệm vụ lập pháp nêu trên, năm 2024, Hội đồng Dân tộc sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ nào, thưa ông?

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị đã được Luật quy định và được Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội phân công. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính sau đây:

Một là, tập trung triển khai, chủ động phối hợp và hoàn thành các nhiệm vụ Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao theo tiến độ: Hoàn thành xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và tổ chức triển khai thực hiện; nghiên cứu định hướng xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc; phối hợp thực hiện phân định miền núi, vùng cao.

Hai là, tiếp tục đổi mới, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động xây dựng luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và nhiệm kỳ, nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; cùng các nhiệm vụ thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án luật có tác động lớn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo.

Ba là,tập trung triển khai các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội sau giám sát tối cao và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc và tổ chức tốt các chuyên đề giám sát, giải trình của Hội đồng Dân tộc.

Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các thành viên của Hội đồng Dân tộc tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế - xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước, kịp thời xử lý, tham mưu xử lý các vấn đề nổi lên thuộc thẩm quyền.

- Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch!

Hoàng Ngọc thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/day-manh-phan-cap-phan-quyen-tao-su-linh-hoat-sang-tao-cho-dia-phuong-i360364/