Đánh giá toàn diện thị trường

Từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC nhằm tăng cung ra thị trường.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong đó có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu 27.200 lượng, tương đương khoảng 1,02 tấn.

Phiên đấu thầu sáng 16/5 là thành công nhất với số vàng trúng thầu lên tới 12.300/16.800 lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu, giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,42 triệu đồng/lượng so với giá tham chiếu. Giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,39 triệu đồng/lượng so với giá tham chiếu. Đặc biệt, có tới 11 thành viên tham gia và đều trúng thầu.

Nguyên nhân dẫn đến thành công của phiên đấu thầu này được cho là do những điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu được điều chỉnh (từ phiên thứ 6) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia.

Những điều chỉnh bao gồm số lượng tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt trong phiên giảm từ 700 lượng xuống còn 500 lượng. Mức mua tối đa cũng được điều chỉnh lên 4.000 lượng, gấp đôi so với ngưỡng 2.000 lượng trước đó.

Như vậy về lý thuyết, cả nguồn cung và điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn cung đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, giá vàng trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Thực tế, sau các phiên đấu giá, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng thêm. Đỉnh điểm như ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã tăng 3 - 4 triệu đồng, dù giá vàng thế giới “đi ngang” dẫn đến giá vàng trong nước đắt hơn tới 20 triệu đồng/lượng so với thế giới.

Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đang là thực tế. Có nhiều lý do để lý giải về tình trạng này, trong đó đầu tiên phải kể đến là nguồn cung khan hiếm do độc quyền nên thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng cũ. Cầu tăng, dù không mạnh, trong khi cung không có dẫn đến giá bị đẩy lên cao, chênh lệch lớn với giá thế giới.

Lý do nữa đó là không cấp phép nhập khẩu vàng khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, thậm chí phải dùng vàng miếng để sản xuất nên càng khiến giá vàng miếng bị đẩy lên cao.

Như chính thừa nhận của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua thì sau thời gian dài ổn định do được quản lý theo Nghị định 24/2012, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ hạn chế. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập. Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số vàng trong nước tăng gần 21% so với cùng kỳ.

Bởi vậy, để thị trường vàng không “vênh” quá lớn so với thế giới, cần có các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, ngoài giải pháp trước mắt là tổ chức các phiên đấu giá, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, cần tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm các quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê, kiểm soát giao dịch vàng; kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.

Ngoài ra, cần tổng kết việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý của Nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, như ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá toàn diện thị trường để biết nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào? Phải đánh giá kỹ, bình tĩnh để tìm giải pháp. Cần tìm đúng bệnh mới bốc thuốc được.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-toan-dien-thi-truong-post684128.html