Đảng viên kê khai, minh bạch tài sản: Không trung thực là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống

Cán bộ, đảng viên thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản là biểu hiệu của suy thoái đạo đức, lối sống. Vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Cho đến hiện tại, vấn đề kê khai tài sản cũng như câu chuyện giàu - nghèo và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 31 diễn ra ngày 16 và 17/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Theo kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Trước đó, cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số cán bộ, đảng viên trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Đáng chú ý, trong số những cán bộ, đảng viên ấy có những người sau đó đã bị khởi tố, khai trừ ra khỏi Đảng.

Có thể hiểu, kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Câu chuyện này cứ tưởng là đơn giản, nhưng nó không hề dễ dàng một chút nào. Bởi, việc kê khai phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người kê khai. Đặc biệt, người kê khai lại là cán bộ, đảng viên, những người đang giữ vị trí, chức vụ cao trong một tổ chức, cơ quan nhà nước.

Cán bộ, đảng viên đừng để sự gian dối trong kê khai tài sản là nỗi hổ thẹn với nhân dân

Cán bộ, đảng viên đừng để sự gian dối trong kê khai tài sản là nỗi hổ thẹn với nhân dân

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai tài sản được quy định rất rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo quy định, cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của luật này.

Trong đó, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Cùng với đó, việc “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực” cũng là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, được nêu rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Có thể nói, nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TW đã đi sâu từ Trung ương đến địa phương, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và được triển khai quyết liệt trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng có thể thực hiện ngay từ bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Các bản kê khai này cần được công khai chứ không nên kê khai xong rồi cất ngăn tủ và nói là tài liệu mật. Thu nhập cá nhân của cán bộ cần phải khai báo rõ ràng và nộp thuế dựa trên thu nhập này. Liên quan đến thu nhập cá nhân của cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang nhau, chưa xử lý. Phải xử lý vấn đề gốc rễ thu nhập cá nhân của đảng viên, cán bộ...

Tuy nhiên như đã thấy, rất nhiều cán bộ, đảng viên dù đang giữ vị trí, trọng trách cao trong tổ chức Đảng, chính quyền đã không thực hiện việc kê khai tài sản trung thực, không thể hiện tinh thần nêu gương và đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, cũng như cá nhân những người vi phạm. Nhiều câu chuyện chỉ vì vấn đề không trung thực trong việc kê khai tài sản mà cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật, thậm chí bị miễn nhiệm chức vụ.

Cán bộ, đảng viên thực hiện không trung thực việc kê khai tài sản là vi phạm qui định của Đảng. Có thể thấy rằng, không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo, cũng không ai cấm cán bộ, đảng viên giàu. Thế nhưng phải làm giàu bằng cách chân chính, đúng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, chứ không được bất chấp tất cả để chạy theo danh lợi nhằm “vinh thân phì gia”.

Hơn nữa, việc cán bộ, đảng viên mà giàu có chính đáng thì cũng cần thiết được hoan nghênh lấy đó là tấm gương sáng, chứ không có gì phải sợ bị dè bỉu hay soi mói. Họ đều là con người, có ý chí, lòng quyết tâm và phát huy được sức sáng tạo để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và hơn hết đó cũng là đóng góp cho đất nước, cho xã hội.

Nhìn từ những vụ án mà cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cựu quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, hay bị phạt tù thì thấy, nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái đều không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập. Chỉ khi chủ nhân của những bản “danh sách đen” bị pháp luật xử lý vi phạm, kê biên tài sản thì tính xác thực của nó mới được “lộ sáng”.

Nếu những cán bộ, đảng viên đó trung thực trong việc kê khai tài sản, minh bạch thu nhập, có lẽ xã hội đã không phải giật mình về những món tiền tham nhũng, tài sản sở hữu của những cán bộ, quan chức vi phạm khi sự thật được công bố. Từ những bài học quý giá ấy, các cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức được việc trung thực trong kê khai tài sản. Đừng có nghĩ mình đang “an toàn”, hay “tôi không có gì sai cả” và “có giấu cũng không ai biết... mà gian dối trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Bởi, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, chỉ có sự trung thực của người cán bộ, đảng viên mới là sự “an toàn” nhất.

Và hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát, xác thực kê khai, cũng như việc giảm bớt phức tạp, phiền hà cho người kê khai để tránh tâm lý “khai cho hết trách nhiệm”.

Cùng với đó, cần triển khai các giải pháp phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh và tăng các biện pháp xử lý đủ mạnh, để răn đe đối với những cá nhân không trung thực trong việc kê khai tài sản, kịp thời phát hiện những tài sản bất minh, của cải có được từ việc tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ... để phục vụ hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng!.

Khôi Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dang-vien-ke-khai-minh-bach-tai-san-khong-trung-thuc-la-bieu-hien-suy-thoai-ve-dao-duc-loi-song-267444.html