Dân thiếu nhà ở nhưng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khi hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang.

Ảnh minh họa: Dãy nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên) bị bỏ hoang nhiều năm

Ảnh minh họa: Dãy nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên) bị bỏ hoang nhiều năm

Ảnh minh họa: Dãy nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên) bị bỏ hoang nhiều năm

Gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân 83 tỷ đồng

Tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5 đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư trên cả nước đang để hoang hóa, xuống cấp trong khi người dân vẫn thiếu nhà ở.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhận định, thị trường bất động sản đang mất cân đối, thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình, phù hợp với khả năng tài chính của người dân; nhà ở xã hội nơi thừa, nơi thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, đại biểu phản ánh, hiện nay có tới 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) để không. Ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang ở các quận Long Biên, Cầu Giấy…

Tình trạng này đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì thiếu chỗ ở. Bà Yên đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân đang rất mong mỏi, chờ đợi.

Đặc biệt, bà Yên nhấn mạnh về việc hàng chục nghìn căn nhà tái định cư ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội bị bỏ hoang phế, gây lãng phí lớn về nguồn lực tài chính công, trong khi người dân còn thiếu chỗ ở.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, trong mấy năm gần đây, một loạt luật mới đã được sửa đổi, tạo nên nhiều chính sách mới cởi mở hơn, tốt hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản lý đất đai, tài nguyên. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý đất đai, tài nguyên để tránh lãng phí.

Đại biểu cho biết, vừa qua ông đi khảo sát và chứng kiến một số tỉnh và chứng kiến nhiều dự án, khu nhà ở được xây thô, thậm chí là đã hoàn thiện nhưng nhìn vào thực tế khu vực đó thì có thể dự đoán đến 10 năm nữa cũng không thể có người ở. Ở Hà Nội cũng nhiều, nhất là ở khu vực cầu Đông Trù (huyện Đông Anh) có một loạt khối nhà đã bỏ hoang mà không biết đến khi nào mới có người vào ở.

“Các dự án, công trình nhà ở xây xong rồi bị bỏ hoang như vậy gây lãng phí vô cùng", ông Trí nói và đề nghị xem xét, điều chỉnh những dự án bỏ hoang để tránh lãng phí, trong khi nhiều người có thu nhập thấp vẫn đang không có nhà ở.

Đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng cho biết, khi đi qua đường Hoàng Mai, ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 giờ bị bỏ không. Khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ hoang, ...

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Dẫn số liệu Hà Nội có hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng, TP HCM có 14.000 căn tái định cư bỏ không, ông Hiếu đánh giá thực trạng này gây lãng phí lớn, cần có giải pháp quyết liệt để đưa những căn hộ tái định cư đang để không này vào sử dụng.

"Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội hoặc cho thuê", ông Hiếu đề nghị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà tái định cư là tài sản của nhà nước nên các quy định, thủ tục phải thực hiện theo luật. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tính toán cơ chế để đề xuất chuyển đổi nhà tái định cư không sử dụng sang nhà ở xã hội.

Gợi ý xây nhà ở xã hội để cho thuê dài hạn

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) đề xuất Hà Nội đầu tư vào nhà ở xã hội sau đó cho thuê dài hạn. Điều này sẽ giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân.

"Nếu Nhà nước được quyền phát hành trái phiếu thì lãi suất rất thấp, chỉ 3-4% và người dân thuê nhà cũng có giá hấp dẫn. Khi có lãi suất tốt, có thể xây được khu nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân", ông Ấn nói.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dan-thieu-nha-o-nhung-hang-chuc-nghin-can-ho-tai-dinh-cu-bo-hoang-post345815.html