Dân quân tự vệ xã Yên Mông trưởng thành từ đội du kích

Ngược dòng lịch sử, ngày 18/11/1951, Tổng Quân ủy T.Ư quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951. Cùng với các xã Hòa Bình, Thịnh Lang, du kích xã Yên Mông (thị xã Hòa Bình) có nhiệm vụ phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu với các đơn vị của Đại đoàn 308, 312, 304. Trong chiến dịch này, 33 thanh niên đã lên đường nhập ngũ; 102 người đi dân công tham gia sửa đường, bắc cầu, làm bè mảng, dựng lán trại, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược; 38 nữ thanh niên xung phong vào các đội tải thương.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Yên Mông (TP Hòa Bình) huấn luyện thường xuyên nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Lực lượng dân quân du kích ngày đêm canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Ngày 7/12/1951, tại bến Mỵ, một trung đội du kích phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đánh một tiểu đoàn của địch từ Tu Vũ (Phú Thọ) lên Hòa Bình, tiêu diệt 21 tên địch, thu 4 khẩu súng, 2 hòm đạn. Cũng trong tháng 12/1951, tại Đồng Xanh, trung đội du kích phối hợp bộ đội chủ lực chặn đánh địch từ Hòa Bình đi Tu Vũ, tiêu diệt 23 tên địch, thu giữ 14 khẩu súng. Tiêu biểu nhất là trận đánh trên sông Đà ngày 22/12/1951, du kích xã Yên Mông phối hợp các lực lượng chủ lực phục kích liên hoàn trên sông Đà, từ xóm Mỵ (Yên Mông) - Lạc Song (Phú Thọ) dài 6 km. Vào 11h58’ cùng ngày, 8 chiếc tàu địch từ Hà Nội tiếp tế lương thực theo đường sông tiến lên thị xã Hòa Bình, trên trời có máy bay, hai bên bờ có đại bác bắn yểm trợ. Do thế trận không cân sức, quân ta hy sinh nhiều, đồng chí Nguyễn Văn Đức (du kích xóm Mỵ) đã dũng cảm vác hòm đạn xông lên, tổ trung liên của bộ đội chủ lực tiếp tế, bắn chìm tàu vận tải của địch. Sau gần 40 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt được 6 ca nô và 1 tàu LCT cùng hàng chục tên địch. Ngoài ra, du kích Yên Mông phối hợp bộ đội chủ lực chặn đánh quân tiếp viện của địch cho cứ điểm Tu Vũ bị tiêu diệt ngày 10/12/1951. Tháng 1/1952, du kích Yên Mông phối hợp với 2 đại đội bộ đội chủ lực tiêu diệt gọn 1 tiểu đội lính lê dương ở cánh đồng Xanh trên đường 24.

Ông Nguyễn Văn Thi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Mông cho biết: "Trong hơn 100 ngày đêm chiến đấu, cán bộ, đảng viên và quân dân xã Yên Mông đã dành 2 tấn gạo, 6 con trâu, 50 con lợn, hàng nghìn ngày công phục vụ chiến dịch. Đặc biệt, có hơn 10 cụ phụ lão mang thuyền của mình cùng con cháu đưa bộ đội Đại đoàn 308, 304 vượt sông Đà sang phía đường 6 đánh địch. Ngày 23/2/1952, địch bắt đầu rút chạy, phải mất 2 ngày chúng mới về đến căn cứ ở Xuân Mai, kết thúc Chiến dịch Hòa Bình”.

Phát huy truyền thống hào hùng, lực lượng dân quân tự vệ xã Yên Mông ngày càng phát triển cả về chất và lượng với 28 đồng chí dân quân cơ động, 24 đồng chí lực lượng chiến đấu tại chỗ và các lực lượng binh chủng khác. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng đảm bảo đủ số lượng theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Công tác tuyển quân hàng năm được Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã thực hiện đúng, đủ chỉ tiêu. Đầu năm 2021, có 8 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Trong năm, trên 91,3% lực lượng dân quân tự vệ xã tham gia huấn luyện theo kế hoạch tại Ban CHQS thành phố, tỷ lệ khá, giỏi đạt 76%, được chỉ huy cấp trên đánh giá cao.

Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ cũng là nòng cốt tham gia chống dịch ở địa phương. Ở thời điểm chưa tháo dỡ chốt kiểm soát, Ban CHQS xã cắt cử đủ quân số tham gia trực chốt kiểm soát của thành phố tại xóm Trường Yên và chốt của xã tại xóm Mỵ, các đường mòn, lối mở, đường thủy vào địa bàn để kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Phối hợp các ngành, đoàn thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nhắc nhở người dân không tập trung đông người, khai báo y tế khi từ địa phương khác trở về. Qua đó, góp phần giúp địa phương kiểm soát dịch hiệu quả.

Thanh Sơn

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/231/160254/dan-quan-tu-ve-xa-yen-mong-truong-thanh-tu-doi-du-kich.htm