Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: Gìn giữ và lan tỏa trong nhịp sống đương đại

Sau 10 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESSCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã khẳng định sự trường tồn của loại hình văn hóa đặc sắc.

Dân ca Ví, Giặm ra đời trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ; tồn tại, phát triển trong cộng đồng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Qua mỗi thời kỳ, lại được trao truyền, kế thừa và sáng tạo để thích ứng hơn với môi trường, hoàn cảnh xã hội và điều kiện lịch sử mới.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, từ chất liệu của di sản này, nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm âm nhạc đã ra đời, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được công chúng cả nước yêu thích, đón nhận.

Diễn xướng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Diễn xướng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

UNESCO ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã góp phần nâng cao tầm nhìn về loại hình di sản này ở tầm quốc gia và quốc tế. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, sự vinh danh của UNESCO đã khẳng định và khuyến khích sự ứng tác, sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu và nghệ thuật diễn xướng bằng phương ngữ, đảm bảo sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa của nhân loại. Việc bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là nhiệm vụ của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ, mà còn là nhiệm vụ của quốc gia dân tộc nhằm bảo vệ một sáng tạo mang tầm nhân loại.

Cũng theo ông Châu, trong 10 năm qua, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đồng thời, tổ chức các Liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp liên tỉnh, mở rộng và phát triển các câu lạc bộ, quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân và lực lượng kế cận, đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường học; thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam với UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định: “Trong hành trình 10 năm Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung tay, góp phần cho di sản của quê hương ngày càng lan tỏa, cả trong nước và quốc tế. Nhiều cơ chế, chính sách quan trọng được ban hành và triển khai thực hiện làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị, khẳng định được vị thế và sức lan tỏa của Ví, Giặm trong cộng đồng.

Kể từ Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ Nhất năm 2012, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức thêm 4 kỳ Liên hoan, Festival vào các năm 2014, 2016, 2018 và 2023. Trước khi diễn ra Liên hoan cấp tỉnh, cấp liên tỉnh và Festival đã diễn ra Liên hoan ở cấp cụm với sự tham gia của các câu lạc bộ ở nhiều địa phương. Đây là hoạt động quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có và tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng; tạo cơ hội để thành viên các câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, việc tuyên truyền, quảng bá Dân ca Ví, Giặm được mở rộng không gian đến cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, châu Á. Loại hình nghệ thuật này cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Hàng trăm cuốn sách, bài viết, nghiên cứu khoa học về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Tại Hà Tĩnh, đến năm 2024 có 209 CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với gần 3.000 hội viên, ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau; 68 Nghệ nhân Dân gian được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng; 3 Nghệ nhân Nhân dân và 22 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Sau khi được UNESCO ghi danh, Hà Tĩnh đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Một số chính sách thiết thực được triển khai, như việc tỉnh hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân 1,5 triệu đồng/tháng/nghệ nhân; Nghệ nhân Ưu tú 1 triệu đồng/tháng/nghệ nhân; hỗ trợ xây dựng mới CLB Dân ca Ví, Giặm 30 triệu đồng/CLB; hỗ trợ duy trì 5 triệu đồng/CLB/năm.

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh, cùng với 14 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của cả nước, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn là niềm vui của cả quốc gia. Chặng đường 10 năm từ khi được UNESCO ghi danh, Dân ca Ví, Giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian, với những kết quả tích cực trong công tác truyền dạy di sản cho cộng đồng, tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân thực hành và trao truyền di sản; mở rộng mạng lưới hoạt động của các CLB, đưa Ví, Giặm vượt ra khỏi không gian của vùng văn hóa xứ Nghệ để đến với cả nước và vượt biên giới quốc gia, lan tỏa ra thế giới.

Mặc dù đã có nhiều kết quả trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục trong việc phát triển, phổ viên, lan tỏa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại. Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nhìn nhận, các làn điệu Dân ca cổ (nguyên gốc) cũng như cách thức trình diễn của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dần bị mai một, ít người nhớ đến. Tính sáng tạo trong Dân ca Ví, Giặm đã bị hạn chế, không còn sự đối đáp ngẫu hứng mà phụ thuộc phần nhiều vào bài bản, lớp diễn; người nghe biết đến Ví, Giặm qua các bài hát mới sáng tác trên nền tảng của Ví, Giặm nhiều hơn.

Bên cạnh đó, như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, lực lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao, không đủ sức để thực hành và truyền dạy. Trong khi đó, lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình di sản này nên sự kế thừa chưa nhiều. Một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống. Không những vậy, môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ. Việc cải biên hoặc sáng tác không nắm vững những bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản. Mặt khác, việc huy động kinh phí xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, với Dân ca Ví, Giặm nói riêng còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc từ ngân sách nhà nước…

Để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thật sự lan tỏa và trường tồn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chủ động, tích cực, phối hợp tốt hơn nữa; đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-gin-giu-va-lan-toa-trong-nhip-song-duong-dai-158580.html