'Vân đàn bầu' và cái duyên với Bình Phước
Với sự am hiểu và tình yêu sâu đậm về Bình Phước, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã dành nhiều tâm huyết trong các sáng tác về con người và vùng đất nơi đây. Mỗi tác phẩm của ông về Bình Phước đều vấn vương từ hơi thở, tiếng lòng và bao điều chưa nói…
“Vân đàn bầu”
Khi đến với âm nhạc, Trần Cao Vân đã chọn học đàn bầu tại một trường âm nhạc ở Huế. Cái tên “Vân đàn bầu” là “nickname” của nhạc sĩ Trần Cao Vân dùng để tương tác với bạn bè trên mạng xã hội và để lưu giữ ký ức ngày đầu đến với âm nhạc.
Thời gian còn công tác tại Trường đại học Quảng Nam, ngoài đứng lớp giảng dạy, Trần Cao Vân thường xuyên tìm đến những vùng có bà con dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Êđê… tiếp cận với bà con để trải nghiệm, lắng nghe, sưu tầm những làn điệu dân ca, dân nhạc của mỗi dân tộc. Có lẽ vì vậy mà âm nhạc dân gian đã thấm sâu vào tâm hồn nghệ sĩ. Từ đó, ông tìm cách đưa chất liệu dân ca vào các sáng tác của mình. Nhờ nghiên cứu sâu về âm nhạc các dân tộc thiểu số (DTTS), ông đã vận dụng khéo léo chất liệu dân ca vào những ca khúc mới mang âm hưởng dân ca các DTTS Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các sáng tác của ông không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà đồng bào các DTTS ở Quảng Nam cũng rất yêu thích. Trong hành trình hoạt động nghệ thuật, “Vân đàn bầu” luôn xem âm nhạc dân gian là điểm tựa, nguồn cảm hứng trong các sáng tác của mình.
Về Bình Phước dệt thổ cẩm, vương vấn điệu hát ru
Trong tác phẩm “Thổ cẩm S’tiêng” của nhạc sĩ Trần Cao Vân có những giai điệu thật vấn vương, thấm đẫm hơi thở người S’tiêng: “Mẹ dệt tình yêu của cha vào trong tấm váy của mẹ. Em dệt tình yêu của tôi vào trong váy áo của em. Những phụ nữ S’tiêng quê tôi dệt cả đại ngàn vào thổ cẩm, thành câu chuyện tình, có men rượu cần, có điệu Sa gơ em múa, thành lời giao duyên em hát…”.
Nhạc sĩ Trần Cao Vân chia sẻ: Khoảng giữa năm 2019, tôi chuyển đến sống tại Bình Phước. Lần đầu tiên được nghe những bài hát ru, dân ca, cồng chiêng của dân tộc S’tiêng qua làn sóng FM của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, trong tôi bỗng như có làn gió mới cùng tần số, thổi bùng lên niềm cảm xúc trào dâng trong lòng mình. Bình Phước nối liền với mảnh đất Tây Nguyên thuộc Nam Trường Sơn, nhiều người dễ nhầm lẫn âm nhạc S’tiêng chắc cũng tương tự như các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng theo tôi không phải vậy. Âm nhạc của đồng bào S’tiêng có màu sắc riêng biệt, khác hẳn.
Từ cái duyên ấy, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã chuyển đến định cư tại xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú. Đồng thời, ông tìm cách kết nối với những nghệ sĩ Bình Phước, tìm hiểu về các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, lên kế hoạch và dự án âm nhạc mới cho riêng mình. Những bài hát ru mênh mang rừng núi, những câu dân ca chân chất ngọt ngào, những bài diễn xướng sử thi của các nghệ nhân, cùng với tiếng cồng chiêng văng vẳng xa xăm từ đại ngàn bao la cứ vọng về trong tâm hồn người nghệ sĩ thôi thúc ông phải đi, phải viết về sự độc lạ của miền đất bazan này.
Sau hơn 2 năm định cư tại Bình Phước, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã chắp bút được 7 ca khúc mang âm hưởng S’tiêng. Hiện ông là nhạc sĩ có số lượng ca khúc về đề tài dân tộc S’tiêng nhiều nhất từ trước đến nay. Mỗi ca khúc của ông mang một màu sắc, phong cách khác nhau, như nhạc phẩm “Tôi yêu S’tiêng của tôi”, hay “Thổ cẩm S’tiêng” mang phong cách rock, thì “Lời mẹ ru”, “Hồn đá” lại tựa như những bài hát ru, dân ca giao duyên của đồng bào S’tiêng. Điều đáng ghi nhận, đa số các ca khúc nêu trên, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã tự bỏ kinh phí làm nhạc, mời ca sĩ thu âm thành phẩm để quảng bá trên các trang mạng xã hội hay gửi về cho các đài phát thanh, truyền hình.
Sự đầu tư nghiêm túc đã đem đến cho nhạc sĩ Trần Cao Vân những giải thưởng đáng ghi nhận như: Giải B khu vực Đông Nam Bộ và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2023 cho ca khúc “Tôi yêu S’tiêng của tôi”. Giải khuyến khích ca khúc “Thổ cẩm S’tiêng” năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuối năm 2024, ca khúc này đã được xét chọn vào top 10 ca khúc tiêu biểu về quê hương Bình Phước qua các thời kỳ. Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Cao Vân còn có 2 ca khúc đoạt giải xuất sắc, 2 ca khúc đoạt giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và trên 20 giải thưởng của các khu vực, tỉnh, thành phố.
Nhạc sĩ NGÔ ĐỨC HÒA, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Phước
Mong muốn đưa âm nhạc S’tiêng gắn với phát triển du lịch
Chia sẻ về những dự án âm nhạc, sáng tác về Bình Phước trong thời gian tới, nhạc sĩ Trần Cao Vân cho biết: Trách nhiệm của một người làm nghệ thuật đã thôi thúc tôi đến và gắn bó với mảnh đất, con người và văn hóa Bình Phước. Âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước ít người khai thác nên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và bảo tồn. Trong tôi luôn đặt ra những câu hỏi: Tại sao ở Huế lại lấy ca Huế làm “đặc sản” để phát triển du lịch, giới thiệu đến du khách? Và mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có một thể loại âm nhạc tạo nên nét đặc trưng văn hóa của vùng đất đó. Trong khi Bình Phước có đồng bào S’tiêng sinh sống lâu đời, tại sao không chọn dân ca S’tiêng làm nét đặc trưng khi nhắc về âm nhạc? Tại sao những nơi khác làm du lịch từ những điều này mà ở Bình Phước lại chưa? Khi đặt ra câu hỏi này tôi muốn tự mình đi tìm câu trả lời, nghiên cứu và sẽ là người tiên phong thực hiện. Tôi muốn đưa văn hóa, âm nhạc S’tiêng vào phát triển du lịch. Tôi tin rằng khi tôi là người tiên phong sẽ có những người khác tiếp bước theo và điều này sẽ thành hiện thực.
Dù đã lớn tuổi nhưng đam mê sáng tác luôn là động lực để nhạc sĩ Trần Cao Vân sẵn sàng rong ruổi trên các thôn, ấp để tìm cảm hứng sáng tác về Bình Phước. Trong ảnh: Nhạc sĩ Trần Cao Vân và vợ trong chuyến về Bình Phước để sáng tác
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, thành viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết: Từ những ngày đầu gặp nhạc sĩ Trần Cao Vân, tôi thấy Vân có phong cách sáng tác rất nhanh. Khi tập trung sáng tác có sự sắp xếp, nhạy cảm, ca từ trôi chảy, hợp lý. Vân là người rất bản lĩnh trong sáng tác. Khi đưa ra định hướng sáng tác rồi thì luôn bảo vệ định hướng này. Vân còn biết chơi một số nhạc cụ nên các ca từ trong tác phẩm của ông sử dụng rất hợp lý, hay, nhạy và nhanh trong việc tìm kiếm, phát hiện chủ đề sáng tác. Ngoài ra, ông còn rất chắt chiu, cất công đi thực tế, trực tiếp để sáng tác.
Nhạc sĩ Ngô Đức Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Phước chia sẻ: Trong chi hội, các nhạc sĩ có đóng góp sáng tác về Bình Phước rất nhiều. Mỗi người ít nhất từ 10 bài trở lên, năm nào họ cũng có tác phẩm mới về Bình Phước. Riêng ca khúc âm hưởng S’tiêng chỉ một số người viết. Trong đó, nhạc sĩ Trần Cao Vân là người nổi bật nhất, có số lượng bài viết nhiều nhất.