Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đóng góp Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 14/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đóng góp cho dự thảo nghị quyết và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đã đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh; đề xuất tổ chức chính quyền gồm 2 cấp theo hướng là cấp tỉnh và cấp cơ sở; làm rõ thêm nội dung bầu, miễn nhiệm, điều động chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; làm rõ quy định về phân quyền; cân nhắc việc bổ sung các điều kiện, nguồn lực đảm bảo thực hiện phân cấp. Đại biểu đồng tình quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghiên cứu tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố; cần quy định cụ thể cơ chế thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát...
Trước đó, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và 132 lượt góp ý về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại họp tổ. Ngoài ra, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang phát biểu tại hội trường.
Buổi chiều, các đại biểu đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Cuối buổi chiều, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đóng góp cho Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), bà Tô Ái Vang - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng ý kiến: "Tôi có 3 kiến nghị đến Chính phủ. Một, Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về thang lương, bảng lương, định mức lao động, chế độ nâng bậc, nâng lương theo từng nhóm đối tượng, và theo từng vùng. Hai, hướng dẫn chính sách mời gọi chuyên gia nhà khoa học tham gia vào các công trình, dự án quan trọng. Ba, Chính phủ quy định cụ thể về việc thực hiện cơ chế tài chính để làm căn cứ thực hiện đặc biệt quan tâm đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vấn đề thứ hai, mặc dù đối tượng người hoạt động không chuyên trách không nằm trong phạm vi đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này, tuy nhiên trong những lần tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận nhiều kiến nghị của người hoạt động không chuyên trách. Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã tổng hợp kiến nghị đến Bộ Nội vụ, và tôi cũng được biết là Bộ Nội vụ đã có dự thảo đề xuất chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách theo Kết luận số 37 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa qua. Chính Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản đề nghị địa phương đề xuất chính sách cho đối tượng này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức để thống nhất áp dụng chung trong cả nước. Đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cử tri là người hoạt động không chuyên trách, có 3 kiến nghị cụ thể đến Chính phủ như sau: Một, tôi xin đề xuất đối với người hoạt động không chuyên trách có thời gian công tác dưới 5 năm thì được hưởng trợ cấp 1 lần bằng số tháng công tác nhân với mức phụ cấp hiện hưởng, được hưởng trợ cấp tìm việc làm bằng 5 tháng phụ cấp hiện hưởng. Hai, tôi xin đề xuất đối với người hoạt động không chuyên trách có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên thì được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 60 tháng phụ cấp hiện hưởng, được hưởng trợ cấp thâm niên từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm công tác được hưởng phụ cấp 1 tháng phụ cấp hiện hưởng, được hưởng trợ cấp tìm việc làm bằng 5 tháng phụ cấp hiện hưởng. Ba, tôi xin đề xuất Trung ương bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nghỉ ngay theo Kết luận số 137".
Ngày 15/5, Quốc hội sẽ thảo luận Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại hội trường. Bên cạnh đó sẽ thảo luận Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.