Đại biểu nói về tác động của cải cách tiền lương liên quan đến Luật BHXH

Sau khi phân tích những yếu tố còn băn khoăn, nhiều đại biểu đã kiến nghị thông qua Luật BHXH sửa đổi sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Đánh giá tác động của cải cách tiền lương với Luật BHXH

Nêu ý kiến về hai phương án để được điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng đây là vấn đề khó và phức tạp, được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.

Báo cáo cho rằng phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án này lại tạo lát cắt chia thành hai nhóm khi tham gia BHXH trước và sau ngày luật này có hiệu lực.

 Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Mặc dù cho rằng đây là phương án tối ưu, song nữ đại biểu cho rằng vẫn cần bổ sung đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt là lấy ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Cạnh đó, trong tháng 4, việc rút BHXH 1 lần đã lên đến hơn 121.000 trường hợp, tăng 39% trong quý I-2024. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp thực sự có hiệu quả, khả thi thì chắc chắn rằng trong thời gian tới việc BHXH 1 lần sẽ tăng thêm.

“Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng đến 18 triệu lao động đang tham gia BHXH, tôi cho rằng là chưa chính xác và chưa tính đến số lượng người rút bảo hiểm một lần sẽ tiếp tục tăng sau ngày luật này có hiệu lực’ – bà nói và nêu ý kiến cơ bản nhất trí theo phương án 2.

Dù vậy, với phương án 2 này vẫn tiếp tục hoàn thiện. Thứ nhất là không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH 1 lần của người lao động. Bởi theo bà việc rút BHXH 1 lần nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên đề xuất để đảm bảo cho người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn như vậy. Từ đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống 3-6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Thứ hai, liên quan đến nội dung người lao động có yêu cầu thì giải quyết một phần nhưng tối đa là 50% trong tổng số quỹ hưu trí và tử tuất, bà cho rằng quy định trong chính sách như vậy là không rõ ràng mà nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2. Cụ thể, người lao động có quyền rút BHXH 1 lần nhưng đối với khoản trực tiếp 8% do người lao động đóng.

Theo bà, phương án này đảm bảo nguyên tắc có đóng, có hưởng, người lao động chỉ đóng trực tiếp 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem như là nguồn đóng góp để người lao động nhằm bảo đảm bảo cho hưu trí sau này và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện được chế độ trợ cấp hưu trí.

Vấn đề thứ hai là về vấn đề tác động của cải cách tiền lương liên quan đến Luật BHXH. Theo bà, việc sử dụng cũng như chính sách liên quan đến quỹ BHXH là vấn đề rất lớn nên việc thay đổi chính sách này không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương vì “bình cũ nhưng rượu mới”.

“Vì tiền lương đã có sự thay đổi căn bản từ ngày 1-7- 2024 và không rõ mức tham chiếu sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào. Mặt khác, nó lại phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1-7-2024” – bà nói và kiến nghị với vấn đề này cần phải có đánh giá tác động.

Về thời điểm thông qua luật, bà Hoa Ry thống nhất với nhiều đại biểu là nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Bà cũng kiến nghị 8 vấn đề rất cụ thể gửi đến Tổng thư ký, mong ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu thấu đáo.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề xuất cho thế chấp sổ BHXH để vay vốn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đánh giá hai phương án đều có những hạn chế riêng. Dù không chọn phương án 2 nhưng đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với phương án 1 vì những người đóng BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần.

Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật BHXH không quy định các trường hợp này được hưởng BHXH 1 lần, sau đó tiếp thu ý kiến của người lao động, tránh tạo phản ứng xã hội, Quốc hội đã bổ sung Điều 60 này.

“Chúng ta dường như quay lại với phương án luật năm 2014 khi chưa sửa đổi, bổ sung Điều 60 đối với nhóm những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa lường hết phản ứng của xã hội đối với quy định mới” – bà Hạnh nói và cho rằng trong khi chưa có chính sách chăm lo hữu hiệu, người lao động vẫn còn mong muốn rút BHXH 1 lần để lo cho những bức thiết của cuộc sống trước mắt… Do vậy, việc không cho người lao động quyền được lựa chọn rút BHXH 1 lần cần phải cân nhắc.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng đề xuất một chính sách có thể hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp và mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH 1 lần.

“Sổ BHXH như một sự đảm bảo cho khoản vay của người lao động nên thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập” – bà nói thêm và cho biết trong trường hợp người lao động không đồng ý vay thì khi đó sẽ cho người lao động được rút BHXH 1 lần.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị xem xét thông qua dự luật BHXH tại kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH cũng như các dự án luật liên quan”.

Nên tích hợp 2 phương án BHXH 1 lần

Cũng bày tỏ quan tâm đến phương án rút BHXH 1 lần, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), đề nghị để phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế tối đa nhược điểm của cả hai phương án thì nên tích hợp giữa phương án 1 và 2.

Cụ thể, phương án 1 chia ra hai nhóm. Nhóm 1 là người đã và đang đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thì được rút BHXH như dự thảo. Nhóm 2 bắt đầu đóng từ ngày luật này có hiệu lực thì được rút BHXH một phần, có thể 50% như phương án 2 của dự thảo luật hoặc có thể được rút phần mình đã đóng như đề xuất của đại biểu Quốc hội.

“Như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Thứ hai, giải quyết được bài toán lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội” – ông nói và đề nghị đưa phương án này vào trong dự thảo luật, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-noi-ve-tac-dong-cua-cai-cach-tien-luong-lien-quan-den-luat-bhxh-post792670.html