Đã yên tâm phần nào…
Cô phải xa trò dù chẳng muốn thế đâu/ Nhưng cuộc sống đã buộc cô phải thế/ Áp lực 'Hợp đồng' làm cô không thể/ Kéo dài thời gian lãng phí lắm 'Trò ơi'...
Đây là một vài câu trong bài thơ, là tâm sự, nỗi niềm của một giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đồng thời cũng là của hơn 2.000 giáo viên khác dù đã ký hợp đồng lâu năm nhưng vẫn luôn trong tình trạng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Lý do là bởi những quy định về thi tuyển viên chức.
Nhưng đó là tâm tư, nỗi niềm của tháng trước, của năm trước. Hôm nay, những tâm tư, nỗi niềm của hơn 2.000 giáo viên hợp đồng ấy đã được tháo gỡ. Theo thông báo của các quận, huyện, thị xã của Hà Nội về kết quả tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020 đối với những người có hợp đồng lâu năm, hầu hết giáo viên hợp đồng đều đã trúng tuyển.
Khỏi nói về niềm vui của hàng nghìn giáo viên, bởi cách đây chưa lâu (cuối năm 2019), qua rà soát theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc xem xét tuyển dụng đặc biệt với giáo viên hợp đồng bằng hình thức xét tuyển, Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định không có giáo viên nào trong diện này đủ điều kiện.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, biên chế giáo viên được giao là 80.812. Số viên chức giáo viên hiện có là 68.282 người, số giáo viên còn thiếu là 12.530 người. Hà Nội có tổng số giáo viên hợp đồng là 8.394 người, trong đó số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động dưới 5 năm là 5.664 người; số có thời gian liên tục hợp đồng lao động từ 5 năm trở lên là 2.730 người tại 19 quận, huyện, thị xã. Sở Nội vụ Hà Nội căn cứ vào Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ xác nhận không có giáo viên hợp đồng nào ở Hà Nội đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt. Những giáo viên có thời gian hợp đồng dưới 5 năm không được xem xét theo quy định này...
Khi đó, thông tin này đã khiến hàng nghìn giáo viên hoang mang, lo lắng vì nguy cơ thất nghiệp đã hiện hữu, bất chấp việc họ đã có thâm niên trong nghề. Và "tréo ngoe" hơn, dù có tới hơn 2.000 giáo viên các cấp bị sa thải nhưng số giáo viên còn thiếu của thành phố lại cũng "xêm xêm" như thế...
Giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ về đối tượng và phương án xét tuyển. Sau đó, UBND thành phố đã công bố danh sách 2.034 giáo viên hợp đồng từ đề xuất của các quận, huyện, thị xã; ban hành Quyết định số 2362 ngày 9/6 phê duyệt chỉ tiêu, kế hoạch xét tuyển vào viên chức. Các nội dung tuyển dụng đặc cách cũng được xác định cụ thể...
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương, với nhiều dạng khác nhau. Như nếu xét tổng số chỉ tiêu thì thừa, nhưng ở từng bộ môn, từng cấp học thì có khi thừa thành thiếu, mà thiếu lại thành thừa. Giải quyết vấn đề này không phải đơn giản. Có thể thấy cái khó với cơ quan chức năng là do các quy định nên dẫu có muốn cũng không thể. Với giáo viên, đây là nghề, là nghiệp, nên dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố vượt qua tất cả, họ vẫn tha thiết muốn làm nghề, phấn đấu vì nghiệp của mình chứ không đơn thuần khó quá thì bỏ...
Với những gì đã "xảy ra" vừa qua và cách giải quyết của thành phố Hà Nội hy vọng sẽ là "gợi ý" hay cho những địa phương khác đang gặp phải những vấn đề tương tự. Để giáo viên toàn tâm toàn ý với sự nghiệp trồng người.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-yen-tam-phan-nao-1596251900571.html