Cuối năm học, phụ huynh THPT Lê Thị Hồng Gấm vẫn bức xúc về đóng tiền điều hòa

Cuối năm học, phụ huynh của Trường trung học phổ thông Lê Thị Hồng Gấm còn viết trên mạng xã hội về những khoản thu tiền của nhà trường.

Phụ huynh đóng 700.000 đồng hỗ trợ nhà trường

Một phụ huynh của Trường trung học phổ thông Lê Thị Hồng Gấm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa có chia sẻ trên mạng xã hội, thể hiện sự bức xúc về các khoản phí không đáng có tại nhà trường.

Vị phụ huynh này viết: “Chúng tôi rất bức xúc với cách thu các khoản phí không đáng có của nhà trường, ví dụ như khoản phí 700.000 đồng hỗ trợ nhà trường là bao gồm những gì ở trong đó? Dùng cho mục đích gì? Giáo viên chủ nhiệm nói là phí bảo trì máy lạnh, nhưng thử hỏi mỗi học sinh đóng 700.000 đồng, mỗi lớp xấp xỉ 40 em, tổng thu mỗi lớp là 28 triệu đồng.

Mỗi khối hơn 10 lớp, vậy tổng thu cả khối là 280 triệu đồng. Cho tôi hỏi bảo trì máy lạnh gì mà nhiều đến như vậy? Bằng không hãy cho phụ huynh biết là số tiền đó chi trả cho những khoản nào.

Đến cả cái biên lai học phí cũng có những khoản thu khó hiểu, như là: Phí chuyển đổi số? Chuyển đổi số là gì, tại sao lại có phí này, rồi phí ăn trưa, phí tổ chức học 2 buổi. Rất vô lý.

Chương trình học của trường cho học sinh là 2 buổi. Phụ huynh được lựa chọn việc ăn trưa tại trường, hay là về nhà. Nhưng ngoài ăn trưa tại trường lại thu thêm phí học 2 buổi?...”

Thông tin phụ huynh trường Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)

Hiệu trưởng nhà trường nói gì?

Ngày 22/5, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Lê Thị Hồng Gấm, Hiệu trưởng phân hiệu trung học phổ thông Lê Thị Hồng Gấm xác nhận: “Nhà trường có thu khoản tiền 700.000 đồng là tiền vận động, tài trợ từ cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, chỉ phụ huynh có con đang học lớp 10 mới phải đóng khoản tiền này, còn phụ huynh có con đang học lớp 11, 12 chỉ phải đóng 450.000 đồng/năm học”.

Thầy Vũ Quốc Phong khẳng định rằng: “Đây là số tiền vận động tài trợ từ phía phụ huynh, hoàn toàn không bắt buộc, trên tinh thần tự nguyện. Toàn bộ phụ huynh của trường đã đồng ý đóng khoản tiền này”.

Phân hiệu trung học phổ thông Lê Thị Hồng Gấm, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Nói rõ hơn về khoản tiền nói trên, thầy Vũ Quốc Phong giải thích, sở dĩ có số tiền chênh nhau giữa khối 10 và 11,12 là do có khoản tiền 250.000 đồng/năm học gọi là tiền kích cầu máy lạnh, nhân với 400 học sinh lớp 10, thì mỗi một năm học sẽ thay 6 cái máy lạnh cho học sinh 9 lớp 10.

Cũng theo thầy Vũ Quốc Phong, 9 lớp 10 của trường sẽ cần 18 máy lạnh 2 HP, mà một năm chỉ thay mới có 6 máy lạnh. Như vậy có nghĩa rằng phải 3 năm mới thay hết số máy lạnh dành cho học sinh khối 10 của trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, như vậy, số máy lạnh cũ thay ra sẽ dùng để làm gì, thầy Vũ Quốc Phong trả lời: “ Sẽ dùng cho các phòng ban khác trong trường”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị cung cấp số tiền 450.000 đồng vận động tài trợ từ phụ huynh, trường sẽ dùng chi vào khoản nào, tuy nhiên thầy Vũ Quốc Phong lại không nói rõ hơn về thông tin này.

Trước đó, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 5163/SGDĐT-KHTC, về phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp và Hướng nghiệp Lê Thị Hồng Gấm.

Theo văn bản này, trong năm học 2023 – 2024, nhà trường sẽ vận động tài trợ với tổng số tiền là hơn 433 triệu đồng, bao gồm cả vận động tài trợ cơ sở vật chất là hơn 236 triệu đồng (hỗ trợ trang bị 9 máy lạnh cho các phòng học với giá trị tiền là hơn 130 triệu đồng, hỗ trợ trang bị 30 camera cho các phòng học với giá trị hơn 105 triệu đồng).

Đối với các hoạt động giáo dục, nhà trường vận động tài trợ với tổng giá trị tiền là 197 triệu đồng, bao gồm các hoạt động hỗ trợ học tập, thi cử, tổ chức các chuyên đề, thi học sinh giỏi các cấp, thi tốt nghiệp với giá trị tài trợ là hơn 143 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động phong trào, tham gia thi đấu các môn thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ với giá trị tiền là hơn 53 triệu đồng.

Đối với hoạt động tài trợ cơ sở vật chất, Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị nhà trường chỉ vận động tài trợ bằng hiện vật, còn hoạt động giáo dục thì có thể vận động tài trợ bằng tiền mặt hay hiện vật.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề nguyên tắc của vận động tài trợ theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, điểm 1 của điều 2 quy định rõ là “Không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu”, vậy thì tại sao nhà trường lại quy định mức tài trợ cụ thể cho từng phụ huynh?

Thầy Vũ Quốc Phong trả lời: “Phải có cách vận động để đạt được yêu cầu, nên mới chia tiền bình quân vận động. Tuy nhiên, việc vận động này cũng vì học sinh, đều được công khai, minh bạch tới phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường thu tiền, làm rồi chuyển giao lại cho trường”.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cuoi-nam-hoc-phu-huynh-thpt-le-thi-hong-gam-van-buc-xuc-ve-dong-tien-dieu-hoa-post242927.gd