Cước vận tải container đi châu Âu tăng mạnh sau sự cố kênh đào Suez
Các chủ hàng Việt Nam như 'ngồi trên đống lửa' khi giá cước vận chuyển container đi châu Âu tăng sau vụ siêu tàu mắc kẹt trên kênh đào Suez.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang khá căng thẳng khi giá cước vận tải container đi châu Âu tiếp tục tăng - Ảnh minh họa
Phản ánh tới Báo Giao thông, một nhân viên kinh doanh thuộc Công ty thực phẩm NatyFood Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn trong việc đưa hàng hóa “xuất ngoại” khi cước vận chuyển container đi châu Âu tiếp tục tăng vọt sau sự cố tại kênh đào Suez.
“Nếu thời điểm đầu tháng 4/2021, cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu dao động từ 7.000 - 8.000 USD thì hiện, mức giá này được đẩy lên tới 10.000 USD/cont”, nhân viên này nói và cho biết, dự kiến, tình trạng căng thẳng về giá cước vận chuyển này kéo dài ít nhất đến hết tháng 5/2021.
Cùng với container khô, giá cước vận chuyển container lạnh cũng đang trên đà tăng. Theo đại diện Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải, cách đây hơn một tháng (4/2021), giá cước container lạnh từ Việt Nam đi thị trường châu Âu giảm mạnh từ 8.000 - 9.000 USD/cont còn 5.000 - 5.500 USD/cont.
Tuy nhiên, sau sự cố kênh đào Suez, khung giá vận chuyển lập tức có sự đảo chiều, tăng từ 300 - 500 USD/cont (tùy từng chặng).
Ông Bùi Việt Hoài, Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải VN nhận định, chủ hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cước “leo thang” trong 3 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố “siêu tàu” mắc kẹt trên kênh đào Suez (23/3).
“Lý do là sau khi kênh đào Suez được khơi thông, các tàu lớn sẽ dồn dập tới cảng dẫn đến sự quá tải, thời gian tàu vào làm hàng bị kéo dài hơn, tốc độ rút hàng, giải phóng container vì thế chậm hơn rất nhiều. Tốc độ xay vòng của tàu và container rỗng sẽ bị ảnh hưởng và hãng tàu phải tăng giá cước để bù đắp chi phí”, ông Hoài nhận định.
Trước đó, ngày 23/3, siêu tàu container Ever Given, dài 400m, rộng 59m đang trên hải trình từ Tanjung Pelapas (Malaysia) đến cảng Rotterdam (Hà Lan) bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez.
Khoảng hơn 400 tàu container đã phải xếp hàng chờ lưu thông qua kênh đào Suez khi siêu tàu Ever Given mắc cạn, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Đến ngày 29/3, con tàu khổng lồ mới được giải cứu.
Sau khi tàu Ever Given được giải phóng, số lượng tàu lưu thông qua kênh đào Suez lên tới 75 tàu so với mức thông thường chỉ từ 40 - 50 tàu/ngày, nhiều cảng châu Âu và Mỹ (các cảng có tàu di chuyển qua kênh đào Suez) rơi vào tình trạng tắc nghẽn khi các tàu đến dồn dập. Hàng loạt tàu vì thế bị kéo dài thời gian di chuyển.