Có thể xem xét tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm

Tại phiên thảo luận Hội thảo 'Tài sản bảo đảm ngân hàng – Những vấn đề quan tâm hiện nay' do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 28/4, các chuyên gia đều cho rằng, tài sản số, tín chỉ carbon đều có giá trị tích cực và cần thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý công nhận tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

Việt Nam đã có ví dụ coi tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Theo Luật Dân sự, tài sản số hay tín chỉ carbon đều có quyền tài sản, chúng ta băn khoăn về vấn đề mất giá. Nhưng thực tế, không chỉ tài sản số hay tín chỉ carbon mất giá mà vàng, đô la, bất động sản… đều có thể mất giá. Bên cạnh đó, khi chúng ta sử dụng tài sản bảo đảm, nhà nước cũng không có nghĩa vụ xác định giá trị của tài sản. Vì vậy, mong muốn nhà nước đưa ra quy trình định giá những tài sản này để giảm rủi ro là không cần thiết.

Tín chỉ carbon đã được khẳng định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện Chính phủ đã xây dựng lộ trình để thí điểm thị trường tín chỉ carbon. Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định yêu cầu 2.166 doanh nghiệp thực hiện việc kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính hoàn thành trước ngày 31/3/2025. Trên cơ sở báo cáo của các lĩnh vực, Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải và hạn ngạch phát thải có thể giao dịch.

Có thể nói, về hệ thống pháp luật đã khẳng định tín chỉ carbon trong tương lai sẽ là một loại tài sản có thể giao dịch, có thể biến động giá. Ở Việt Nam, thực tế chúng ta đã sử dụng tín chỉ carbon như một tài sản bảo đảm. Thỏa thuận của Việt Nam với Ngân hàng thế giới (WB) là một thỏa thuận về tài sản bảo đảm. WB cam kết mua tín chỉ carbon với giá trị 5 USD; và năm 2023 Việt Nam chính thức thu được 10,5 triệu tín chỉ và bán thu về 51,5 triệu USD. Phải khẳng định rằng, tín chỉ carbon đem lại rất nhiều giá trị cho chúng ta, đơn cử như về việc phát triển các dự án về hạ tầng.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Câu chuyện không chỉ đơn giản, không cấm là xong!

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI

Vấn đề về các loại tài sản bảo đảm mới như tài sản số, tín chỉ carbon là một vấn đề mới và quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng trong tương lai. Mặc dù mới khởi đầu thôi, nhưng nếu không làm thì không biết bao giờ triển khai được. Hiện chưa có luật nào ở Việt Nam cấm giao dịch, sở hữu hay lấy tiền ảo, tài sản số là tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản là không cấm là xong.

Trong pháp luật về dân sự định nghĩa tài sản bảo đảm là tài sản hiện hữu và hình thành trong tương lai; quay sang các luật về tài chính, kế toán mới phân định đâu là hữu hình, vô hình… Như vậy, quy định đã có rồi chỉ có điều là cần giải thích, làm rõ.

Tín chỉ carbon thuộc quyền sở hữu, không bị cấm mua bán thì vì lý do gì chưa phải là tài sản; Có nhận bảo đảm được không? câu trả lời là hoàn toàn được. Điều kiện nhận bảo đảm cần có 2 điều: Một, có quyền sở hữu, hai là không bị cấm. Nhưng điều khó nhất ở đây là, nhận tài sản bảo đảm là đề phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn rủi ro mà những tài sản trên hiện rất rủi ro cho ngân hàng.

Các ngân hàng hiện cũng đang gặp khó bởi lẽ những loại tài sản số, tín chỉ carbon sẽ có biến động về giá trị. Chưa kể đến việc vi phạm điều kiện cho vay, giá trị tài sản bảo đảm… sẽ kéo theo việc xử lý vất vả sau này.

Ông Đỗ Giang Nam - Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC):

Tín chỉ carbon là tài sản đảm bảo tiềm năng

Ông Đỗ Giang Nam - Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Ông Đỗ Giang Nam - Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Đứng ở góc độ VAMC, nguyên tắc nhận tài sản bảo đảm gồm 2 điều kiện: Thứ nhất là về hành lang pháp lý, tài sản số và thị trường carbon hiện nay chúng ta đang xây dựng lộ trình để hoàn thiện hành lang pháp lý cho nó để được thừa nhận đây là đối tượng trong tài sản đảm bảo. Khi hành lang pháp lý hoàn thiện thì đây là điều kiện cần. Điều kiện đủ, ngân hàng muốn nhận nó hay không thì phải tính toán đến nhiều yếu tố - đặc biệt là khả năng quản lý và xử lý tài sản số và tín chỉ carbon này trong trường hợp xảy ra rủi ro với khách hàng vay vốn.

Tín chỉ carbon được hiểu là tài sản số, tuy nhiên nó hơi đặc thù. Nó được phát sinh từ các dự án nhằm mục đích giảm phát thải. Thông thường, người sở hữu tín chỉ carbon sẽ thế chấp tín chỉ carbon để vay vốn ngân hàng trong trường hợp có đầu cơ - chờ tín chỉ carbon này tăng giá hoặc chưa tìm được khách mua. Nó cũng giống như tài sản khác.

Bản thân tín chỉ carbon này, ngân hàng khi mà thực hiện nhận tài sản thế chấp này cũng phải đánh giá rủi ro của nó, mà tôi cho rằng rủi ro đầu tiên là về giá, xuất phát từ rủi ro về thị trường.

Việt Nam đang phấn đấu mục tiêu năm 2028 mục tiêu sẽ hình thành thị trường khá đầy đủ về giao dịch tín chỉ carbon. Đây là một điều kiện cần thiết để các ngân hàng có khả năng xử lý tín chỉ carbon này trong trường hợp xảy ra rủi ro về vốn vay, thu hồi tiền vay. Việc thực hiện giao dịch thị trường này, ngân hàng phải tính đến nhiều yếu tố - đặc biệt là biến động giá. Trong khi giá của tín chỉ carbon phụ thuộc vào cung cầu. Nhất là trong điều kiện hiện nay, các chủ đầu tư với tiến bộ công nghệ, đang có xu hướng thay vì mua tín chỉ carbon thì nâng cấp công nghệ để giảm bớt khí thải ra môi trường. Ngoài ra, rủi ro về giá còn phụ thuộc vào chất lượng tín chỉ carbon.

Rõ ràng các yếu tố trên là nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Khi mà ngân hàng nhận tín chỉ carbon phải đánh giá rất thận trọng cả về giá, uy tín, chứng chỉ, cách quản lý của chứng chỉ đó như thế nào. Và cách xử lý tài sản đảm bảo: Tức là được giao dịch trên thị trường thì đảm bảo khả năng thu hồi.

Những rủi ro nêu trên và điều kiện công nghệ, thị trường thì các ngân hàng chưa kiểm soát tốt được loại tài sản này, nếu như nhận thế chấp. Tôi cũng mong rằng trong một vài năm tới, cùng với sự minh bạch hóa thị trường và hoàn thiện hành lang pháp lý về thể chế, phát hành ra thị trường cũng như liên thông giữa thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam và một số nước ngoài sẽ đảm bảo khả năng quản lý của ngân hàng đối với tài sản đảm bảo, lúc đó các ngân hàng sẽ có sự tích cực hơn trong việc nhận tài sản đảm bảo là tín chỉ carbon.

Lợi ích tín chỉ carbon không thể bàn cãi, vừa đảm bảo thúc đẩy tín dụng xanh, tạo ra thị trường tài chính xanh mới, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp với thị trường carbon. Đồng thời, cũng có kỳ vọng giá trị thương mại ngày càng bởi vì chúng ta hiện nay có xu hướng phát triển bền vững, ESG, nên khi các nước siết chặt các chính sách về môi trường, chống phát thải thì tín chỉ carbon trở nên rất có giá. Đứng dưới góc độ ngân hàng thì đây là tài sản đảm bảo tiềm năng, các ngân hàng sẽ nhận khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quản lý rủi ro.

Tiến sĩ Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam: Việc quản lý, giám sát các loại tài sản mới là rất quan trọng

Tiến sĩ Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam

Tiến sĩ Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam

Đối với KPMG, từ khía cạnh góc nhìn của một doanh nghiệp kiểm toán và tư vấn, chúng tôi thấy rằng xu hướng hiện nay của các tài sản phi chính thức như tài sản xanh, tài sản số đang đặt các doanh nghiệp cũng như tổ chức liên quan trong một tình huống mà chúng ta phải đặt ra những quy định, thực hành chưa có tiền lệ. Chính vì vậy mà sự phối kết hợp trong quá trình quản lý và giám sát đối với các tài sản phi chính thức và đặc biệt là tài sản số rất quan trọng.

Khi chúng tôi đi tư vấn cho doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đã có các câu hỏi như: với một loại tài sản như thế này, tôi muốn quản lý và giám sát nó thì dựa vào quy trình, luật lệ nào. Để “trả lời” chúng ta có thể học hỏi trao đổi ở các tổ chức quốc tế, từ các quốc gia đã thực hành, để chúng ta điều chỉnh, áp dụng với Việt Nam. Bên cạnh tham khảo hệ thống từ các quốc gia có đặc tính tương tự, chúng ta cần tham khảo thực hành từ các quốc gia cũng như thể chế về sự phát triển vượt trội để học hỏi kinh nghiệm liên quan hệ thống văn bản pháp luật.

Có thể nói EU là một trong những thể chế tốt nhất hiện tại liên quan đến thị trường tài sản xanh để phát triển mục tiêu phát triển bền vững. EU là một thể chế chúng ta có thể hướng đến học tập.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam:

Doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến giải pháp thay vì thể chế

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam

Chúng ta đã nghe rất nhiều đến thể chế, pháp lý của tài sản số nhưng với doanh nghiệp, cái gì có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mới thực sự quan trọng. Do đó, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến giải pháp thay vì thể chế. Thực tế, Việt Nam dù chưa có thể nhưng vẫn thuộc Top các quốc gia đầu tư và nắm giữ tài sản số trên thế giới.

Nếu chưa có giải pháp thì làm thế nào để đánh giá tài sản số khi giá trị của nó từ sáng đến tối đã có sự thay đổi? liệu có một công ty kiểm toán giám ký chứng thư định giá hay không?. Doanh nghiệp nếu không có chứng thư định giá thì tài sản số cũng không có ý nghĩa gì. Do vậy, những giải pháp phải được Chính phủ “cầm trịch” chứ không phải do một tổ chức nào khác.

Một số ý kiến đang nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ Tài chính nhưng Bộ này không phải là nơi nghiên cứu chính, mà Bộ Khoa học Công nghệ mới là nơi nhuận nhiệm vụ chính thực hiện Nghị quyết 57 liên quan đến nội dung này. Một doanh nghiệp cung ứng phần mềm có được đưa vào hạch toán là tài sản hay không. Một doanh nghiệp có thể có nhiều tài sản số như sở hữu chí tuệ, thương hiệu doanh nghiệp… có được quy ra tiền hay không vẫn là một bài toán chưa được giải. Điều này đưa ngân hàng vào thế khó và cần có giải pháp cho họ.

Nói về tính khả thi của việc đưa tài sản số làm tài sản đảm bảo hoàn toàn có thể vì thế giới đang trong cuộc về công nghệ số, BigData, nhiều mã nguồn mới đã được ra mắt. Nếu chúng ta không nghĩ quá nhiều về thể chế và sự can thiệp của con người mà chủ yếu dựa vào công nghệ thì thị trường sẽ tự minh bạch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn về việc sở hữu và sử dụng tài sản đảm bảo. Hiện một số quốc gia trên thế giới nhượng quyền tài sản phi vật chất như thương hiệu… họ làm rất thành công. Tại Việt Nam phân biệt sở hữu hay sử dụng, bao giờ có quyền sở hữu, bao giờ có quyền sử dụng. Giả sử một doanh nghiệp bán cổ phần nhưng chỉ được thanh toán 80% còn thiếu 20% không được trả, thì doanh nghiệp bán có được đòi lại không hay phải thực hiện kiện ra tòa. Tài sản số cũng như vậy và còn xảy ra nhanh hơn với giá trị nhiều hơn. Do đó doanh nghiệp mong làm rõ vấn đề này.

Nhóm PV - ảnh: Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-the-xem-xet-tai-san-so-tin-chi-carbon-la-tai-san-bao-dam-163468.html