Có một tiểu quốc Chăm Pa trên cao nguyên

UBND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã tổ chức họp báo công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa (thôn Tư Lương, xã Tân An) vào sáng ngày 4-10. Bản dịch không chỉ có giá trị về mặt tư liệu lịch sử mà còn khẳng định từng có một tiểu quốc Chăm Pa thượng trên khu vực cao nguyên xưa.

Tham dự có Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam; Giáo sư Andrew Hardy-Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai); đại diện lãnh đạo UBND huyện Đak Pơ cùng phóng viên của các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Minh

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Minh

Giải mã bia Chăm cổ

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Thủy-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “tháng 5 năm 2010, người dân phát hiện có một bia đá với những ký tự kỳ lạ ở thôn Tư Lương, xã Tân An. Hòn đá khá lớn nằm kín trong bụi cây um tùm, rậm rạp. Hai bề mặt được khắc chữ chìm trên đá. Phía Đông có 8 dòng và bên còn lại có 3 dòng”.

Trước những dòng chữ ngoằn ngoèo kỳ bí, huyện Đak Pơ đã báo cáo lên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Sở đã cử đoàn cán bộ xuống phối hợp với ngành văn hóa huyện đi kiểm tra thực địa, thu thập thông tin; gửi những dòng ký tự cho các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa Chăm Pa trong và ngoài nước giải mã nhưng không thể dịch được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho hay: “Gần 10 năm kể từ ngày phát hiện, đầu năm 2018, nhờ Giáo sư Arlo Griffiths-chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp phối hợp với bà Khom Sreymon-chuyên gia Viện bảo tàng Quốc gia Camphuchia tiến hành các công đoạn rập, đọc, dịch. Nội dung bia đá đã được giải mã. Trong đó có nhắc đến người Chăm Pa đã chọn vùng đất cao nguyên xây dựng kinh đô. Đánh dấu sự có mặt từ những năm đầu thế kỷ XV”.

Theo ông Thủy, bia đá Chăm Pa tại thôn Tư Lương, xã Tân An là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai, có niên đại vào năm 1438, thế kỷ XV, là những dấu vết hiếm hoi của giai đoạn lịch sử cuối cùng của vương quốc Chăm Pa trên vùng cao nguyên. “Thời gian tới, UBND huyện sẽ mời các chuyên gia về xử lý để tránh bia đá bị phong hóa, nứt vỡ do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Đồng thời, để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành làm hệ thống bảng chỉ dẫn, cơ sở hạ tầng giao thông đến bia đá và đưa vào kế hoạch đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thông tin thêm.

Tiểu quốc Chăm Pa thượng ở trên Cao Nguyên

Giáo sư Andrew Hardy-Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cho rằng, cả một không gian dọc sông Ba là một tiểu quốc Chăm Pa thượng ở trên cao nguyên. Minh chứng cho điều này là các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai có rất nhiều dấu tích của người Chăm như: giếng nước, văn bia, đầu rắn Naga. Đặc biệt, khu vực thị xã Auyn Pa có cụm tháp Chăm cổ. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy 2 bia đá Chăm cổ. Một trong số đó đã được dịch, ghi rõ người Chăm xây tháp, xây đập, xây công trình thủy lợi… “Điều này có thể nhận thấy tiểu quốc Chăm Pa thượng có trung tâm nằm ở Auyn Pa”-Giáo sư Andrew Hardy nói.

Bia đá Chăm Pa tại thôn Tư Lương, xã Tân An là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai, có niên đại vào năm 1438, thế kỷ XV. Ảnh: Ngọc Minh

Bia đá Chăm Pa tại thôn Tư Lương, xã Tân An là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai, có niên đại vào năm 1438, thế kỷ XV. Ảnh: Ngọc Minh

Giáo sư Andrew Hardy so sánh: “bia đá ở thôn Tư Lương được lập cùng thời gian với bia đá tìm thấy ở Auyn Pa, vào thế kỷ XV. Nội dung bia đá ở thôn Tư Lương ngắn gọn, có ghi rõ tên Hayãv. Mà Hayãv là địa danh sông Ba. Đây là sự khác biệt và rất có ý nghĩa về mặt lịch sử. Qua những ghi chép ở các bia Chăm thể hiện người Chăm có mặt tại cao nguyên từ thế kỷ XV và có thể sớm hơn nữa”.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai chia sẻ: các di vật về văn hóa Chăm Pa trên đất Gia Lai đã được người Pháp biết đến từ rất sớm, họ có những bản đồ về các di tích. Trong đó có cụm di tích ở Auyn Pa có tới 3 điểm đó là Kuai Kinh, Yang Mum, Dran Glai. “Năm 1996, tôi đã dẫn một giáo sư người Nhật đến đây khảo sát vùng này, lúc ấy ông đã nhắc đến đây là trung tâm cộng đồng người Chăm Pa, thế nhưng chưa nói rõ là tiểu quốc. Nhưng hôm nay, Giáo sư Andrew Hardy khẳng định Auyn Pa là trung tâm của một tiểu quốc Chăm Pa thượng ở trên cao nguyên”-Tiến sĩ Vân nhấn mạnh.

Ngoài các di tích tháp Chăm ở thị xã Auyn Pa, các nhà khoa học tìm thấy tháp Bang Keng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) và bước đầu xác định niên đại từ thế kỷ thứ VI-VIII. Tại cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền Ông Nhạc (xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) người ta đã tìm thấy đầu rắn Na ga và những viên gạch đá ong. Trên địa bàn xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng có sự hiện diện của tháp Phú Thọ…

“Với hệ thống các di tích khá đầy đủ của người Chăm như vậy, có thể khẳng định người Chăm Pa có mặt trên vùng cao nguyên từ khá sớm. Song song với đó là các bia ký với những ký tự được các nhà khoa học giải mã, giúp chúng ta có những thông tin, tư liệu lịch sử bằng chữ viết vô cùng quý giá; mở ra và hiểu thêm về trang sử vùng đất cao nguyên xưa”-Tiến sĩ Vân nhấn mạnh.

Nội dung bản dịch. Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya. Khi ông tuyên bố chủ quyền, Đại Việt và Campuchia đã công khai tấn công, muốn gây chiến trở lại.

Vào (năm) ba mươi hai (thuộc triều đại của ông), ông được tôn phong là (tên) Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau, nhờ ân điển của ông đã có một hoàng tử đăng quang, xây dựng (cung điện của vị này gọi là) Samrddhipurĩ.

Trong năm con hổ, ông ta lập Mandĩ Vanan, dựng những nhà chữ trên nhiều con đường khác nhau, đắp đập trên sông Hayãv, thành lập kinh đô.

Ông ta madã ka tmuv kirendra tới hai mươi lần tại Hayãv…ông ta sắp đặt các thứ bậc khác nhau (của xã hội) trở lại trật tự một lần nữa. Ông ta madã ka tmuv trắng…điều này…Ông ta thanh tẩy mình ở cửa (sông) Air Lanuv. Vào (năm) ba mươi tám (đã xây dựng) nhà chữ của văn khắc đá này tại mvanna của nhà vua. [Đó là năm Saka] 1360.

GS. Arlo Griffiths-chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp

Ngọc Minh

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/201910/co-mot-tieu-quoc-cham-pa-tren-cao-nguyen-5652342/