Chuyên gia: Sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cản trở đàm phán COC
Cuộc khủng hoảng COVID-19 cùng hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông làm cản trở các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo Rappler, ASEAN và Trung Quốc muốn hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2022, nhưng các hành động gây hấn liên tiếp của Bắc Kinh với các quốc gia Đông Nam Á thời gian gần đây khiến các cuộc đàm phán về COC bị trì hoãn. Mục tiêu ký kết Bộ Quy tắc này vào 2 năm tới cũng trở nên khó thực hiện.
“Mọi thứ thậm chí còn ảm đạm hơn với những gì đang diễn ra ở Biển Đông hiện tại. Ai lại muốn đi tới một cuộc đàm phán khi biết rằng, bất cứ thỏa thuận nào mà họ đạt được cuối cùng sẽ không được tôn trọng”, Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) Nguyễn Hùng Sơn phát biểu trong buổi trao đổi trực tuyến về tình hình Biển Đông do Đại sứ quán Mỹ tại Philippines tổ chức hôm 15/5.
Chuyên gia Luật Hàng hải Jay Batongbacal, Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines nhận định, các hành động ngang ngược gia tăng của Trung Quốc sẽ chỉ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phàn và khiến chúng bế tắc ngay từ khi bắt đầu.
Chuyên gia nói thêm rằng lợi ích xung đột giữa các quốc gia ASEAN cũng gây chậm trễ cho các cuộc phán.
Ông này từ đó kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á nên tận dụng khoảng thời gian tạm lắng trong các cuộc đàm phán để tìm ra điểm chung trước khi nối lại đàm phán.
Rappler cho biết, Trung Quốc gần đây leo thang các hành động ngang ngược của mình trên Biển Đông bằng cách xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia Đông Nam Á, quấy rối tàu cá, ngang ngược tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính.
Điều này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang phải gồng mình chống dịch COVID-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc từ cuối năm 2019.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng để cứu vãn quá trình đàm phán COC, Trung Quốc thực sự cần xem lại hành vi và hoạt động của nước này trên Biển Đông, thể hiện sự sẵn sàng cũng như ý chí chính trị để tạo ra một môi trường thuận lợi khiến các quốc gia ASEAN tin rằng, COC vẫn là một khoản đầu tư khả thi mà ASEAN cần.