Bộ trưởng Tài nguyên: Trữ lượng Bô Xít của Việt Nam khoảng 5,8 tỷ tấn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng với trữ lượng tương đối lớn.

Tại phiên chất vấn sáng nay, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh đề cập đến vấn đề công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua.

Phản hồi thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng với trữ lượng tương đối lớn. Cụ thể, bô xít có khoảng 5,8 tỷ tấn, titan hơn 600 triệu tấn, và đất hiếm với trữ lượng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là 2,7 triệu tấn.

"Đánh giá tài nguyên đất hiếm ước tính khoảng 18 triệu tấn, tổng cộng khoảng 20,7 triệu tấn", ông Đặng Quốc Khánh nêu.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường một đề án điều tra cơ bản và đánh giá trữ lượng tổng thể. "Theo dữ liệu của chúng tôi, kiến trữ lượng đất hiếm có thể lên đến gần 30 triệu tấn", ông Khánh cho hay.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho biết công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường. Những điều này cũng được thể chế hóa tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên trái phép.

Đại biểu đặt câu hỏi, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào? Đặc biệt là đối với kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra để xử lý những hành vi vi phạm này?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này.

Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về các nội dung chất vấn, theo số liệu thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản, trong đó: 322 Giấy phép cấp mới, 47 Giấy phép gia hạn/chuyển nhượng/điều chỉnh trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố để thăm dò trên 06 loại nhóm khoáng sản/50 loại khoáng sản khác nhau; cấp 534 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 51 loại khoáng sản. Hiện nay, có tổng số 3.393 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang có hiệu lực.

Tính đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng với tổng số tiền phê duyệt trên 61.441 tỷ đồng. Về kết quả thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền đã thu được từ năm 2014 đến 31/12/2023 là 55.887 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thu trên 2.316 tỷ đồng tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản.

Tính đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản, kết quả đấu giá tăng trung bình từ 20 - 40% so với giá khởi điểm. Số liệu thống kê cho thấy các mỏ đấu giá thành công chủ yếu là: mỏ cát, sỏi chiếm 68,75%; đá làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm 15,79%; sét, sét gạch ngói chiếm 5,59%.

Về công tác kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, giai đoạn 2012-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 256 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép” và biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra” đối với một số tổ chức. Việc xử lý nghiêm và đúng theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm đã dần lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, giảm dần các vụ vi phạm, tạo môi trường bình đẳng hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đồng thời buộc các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành có liên quan: Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; các Bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền và đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng cũng như tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hàng năm các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng đồng thời tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính. Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản hàng năm cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng cao; từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản.

Nam Yên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-truong-tai-nguyen-tru-luong-bo-xit-cua-viet-nam-khoang-58-ty-tan-d49148.html