Chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019: Tránh tâm lý chủ quan, làm theo thói quen
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại các địa phương, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 do các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn đoàn đã yêu cầu từng địa phương hết sức lưu ý từ những việc nhỏ nhất, tránh tâm lý chủ quan, làm theo thói quen.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Phó trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 khi kiểm tra tại tỉnh Cao Bằng đã lưu ý: Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Cao Bằng tiếp tục bám sát 3 văn bản chỉ đạo của Bộ về tổ chức, quy chế thi THTP Quốc gia, nhận thức đúng về vai trò trách nhiệm địa phương, thực hiện tốt chế độ báo cáo về Ban Chỉ đạo thi Quốc gia. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác in sao vận chuyển đề thi, đảm bảo an toàn an ninh trong quá trình diễn ra kỳ thi, coi thi, chấm thi.
Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Lê Hải An và đoàn kiểm tra, ông Vũ Văn Dương, GĐ Sở GD&ĐT, Phó Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 của tỉnh Cao Bằng cho biết, toàn tỉnh Cao Bằng có có 20 điểm thi, 206 phòng thi và 4.782 thí sinh dự thi. Tỉnh đã huy động 522 cán bộ, giáo viên và nhân viên phục vụ tại các điểm thi.
Là 1 trong 2 trường ĐH phối hợp với Cao Bằng trong kỳ thi lần này, GĐ ĐH Thái Nguyên Phạm Hồng Quang cho biết, ĐH Thái Nguyên đã cử đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia coi thi tại địa phương để phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại tỉnh Cao Bằng. ĐH Thái Nguyên cũng đã tổ chức quán triệt quy chế tới đội ngũ này, tuy nhiên, theo GS Phạm Hồng Quang Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cao Bằng vẫn phải tiếp tục quán triệt thêm những nội dung của quy chế để giảng viên sát sao với thực tế, tránh tâm lý chủ quan làm theo thói quen, kinh nghiệm.
“Cho tới thời điểm này, chưa tỉnh nào phàn nàn với Bộ về việc thiếu giảng viên ĐH. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên đi coi thi năm nay không phải ai cũng có kinh nghiệm, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở với các trường đại học nhằm rà soát lại quy trình, quy chế để thống nhất phương án xử lý các tình huống, sự cố nếu có” - Thứ trưởng Lê Hải An nhắc nhở.
Tại Yên Bái, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn cũng hết sức lưu ý địa phương: “Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, trách nhiệm cao của tất cả các bên liên quan như công an, y tế, chính quyền địa phương, các trường ĐH… trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc” - Thứ trưởng nói.
Việc lựa chọn cán bộ tham gia làm thi được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý. Công tác này phải được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng, để có được những cán bộ vững chuyên môn, có ý thức chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm cao. “Phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm; 5 rõ này nếu chúng ta làm tốt thì sẽ kiểm soát tốt được các khâu của kỳ thi” - Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia. Thứ trưởng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ của địa phương cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đặc biệt trong điều kiện Nghệ An có địa bàn rộng và là một trong bốn tỉnh có số lượng thí sinh đông nhất cả nước. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo thi không được chủ quan bất cứ khâu nào. Từ nay đến thời điểm thi, tỉnh cần rà soát, khắc phục một số hạn chế về cơ sở vật chất như tủ đựng đề thi, bài thi, camera bảo mật và chú ý khâu an ninh an toàn ngăn cách, công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tại Hà Tĩnh, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, trong đó vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Bởi nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra. Thứ trưởng cũng lưu ý, Ban chỉ đạo thi tỉnh cần quan tâm nhiều hơn tới các thí sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện.