Chủ động phòng dịch bệnh kỳ nghỉ lễ

Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như tay chân miệng, sởi, ho gà, sốt xuất huyết... Để phòng, chống dịch bệnh lúc giao mùa, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, việc mỗi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe cũng rất quan trọng.

Nhiều bệnh gia tăng

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều dịch bệnh bùng phát, các trường hợp bệnh tay chân miệng, dịch bệnh sởi, ho gà, sốt xuất huyết... gia tăng ca mắc. Mặc dù ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nói chung vẫn luôn diễn biến khó lường, khó dự báo.

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 12/4 đến 19/4), toàn Thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Theo thống kê, một số đơn vị có nhiều ca mắc tay chân miệng trong tuần như: Ba Vì 20 ca; Sóc Sơn, Thanh Oai 17 ca; Hà Đông 15 ca; Mê Linh, Hoàng Mai 14 ca; Chương Mỹ, Thanh Trì 12 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023. Trong tuần, Thành phố cũng ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 16 ổ dịch, trong đó 8 ổ dịch đang hoạt động.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 ca mắc sởi, đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024; ghi nhận 1 ca mắc ho gà tại Thanh Xuân, giảm 6 ca mắc so với tuần trước. Như vậy, trong những tháng đầu năm 2024, Thành phố ghi nhận 46 ca mắc ho gà tại 20 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.

Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần Hà Nội ghi nhận 7 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận 576 ca mắc, chưa ghi nhận ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như rubella, uốn ván, viêm não Nhật Bản, dại… không ghi nhận ca mắc trong tuần.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xử lý dịch triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống các dịch bệnh đang lưu hành như bệnh tay chân miệng, dịch bệnh sốt xuất huyết… để bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch, ngành Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả. Trong tuần tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, khi có ca bệnh, ổ dịch.

Đồng thời, ngành Y tế Thủ đô cũng tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh mùa hè như: Ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… Để ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát của dịch bệnh, với những bệnh có vắc xin phòng ngừa, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Tiêm chủng được cho là phương pháp phòng bệnh an toàn nhất, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vậy nên, các bậc phụ huynh cần lưu ý nắm rõ lịch tiêm vắc xin cho trẻ. Trẻ em được xem là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất do sức đề kháng còn non yếu. Khi dịch bệnh tấn công mà cơ thể không có kháng thể phòng bệnh thì có thể gây nhiều biến chứng cho sức khỏe của trẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, tiêm vắc xin là phương pháp tốt giúp phòng ngừa bệnh tật, trong đó có ho gà, sởi, quai bị, rubella, dại… ở trẻ. “Đơn cử như vắc xin kết hợp sởi - quai bị - rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó, sau hai mũi tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella”, bác sĩ Chính thông tin.

Cũng theo vị chuyên gia này, phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vắc xin sởi-quai bị-rubella và thủy đậu trước khi có thai tốt nhất 3 tháng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần chủ động chủng ngừa mũi ho gà-bạch hầu-uốn ván trong thai kỳ để bảo vệ con khi chưa đến tuổi tiêm ngừa. Bác sĩ Chính cũng lưu ý bên cạnh sởi, rubella, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm, thủy đậu, ho gà cũng đang lưu hành, trẻ em và người lớn cần tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

Đối với những bệnh chưa có vắc xin, người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, che mũi, miệng khi hắt hơi... Cùng với đó, trong thời gian tới ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên động vật; triển khai thực hiện hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ, tránh để bệnh sốt xuất huyết bùng phát khi “vào mùa”.

Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, ông Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết: Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bởi vậy, để phòng, chống dịch bệnh lúc giao mùa, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, người dân cũng cần thực hiện chủ động các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch, ngành Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả. Trong tuần tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, khi có ca bệnh, ổ dịch.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-dong-phong-dich-benh-ky-nghi-le-169588.html