Chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn từ 15/7/2024

Nghị định 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2024 nêu rõ quy định về hỗ trợ tín dụng đầu tư trồng rừng gỗ lớn đối với hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp.

Ngày 24/05/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và có hiệu lực từ ngày 15/07/2024. Nghị định nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Chủ rừng là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng gỗ lớn trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, được thuê.

Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân

Được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại như sau:

Mức hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất: Tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng đầu tư với ngân hàng thương mại, tối đa 12 năm.

Số vốn vay được hỗ trợ lãi suất: Không quá 70% tổng vốn vay tại ngân hàng thương mại.

Điều kiện được hỗ trợ

Theo Nghị định, đối tượng được hỗ trợ cần đảm bảo điều kiện sau: Có đất trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định theo quy định của pháp luật về đất đai, không có tranh chấp; chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ các chính sách khác.

Trình tự, thủ tục hỗ trợ lãi suất:

Chủ rừng gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Nghị định này; bản thiết kế trồng rừng, chăm sóc năm thứ nhất theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Nghị định này; bản sao hợp đồng tín dụng đã ký giữa chủ rừng và ngân hàng thương mại.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ rừng trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức xác minh hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất và lập biên bản xác minh điều kiện hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Nghị định này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trường hợp không hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ chênh lệch lãi suất cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc lập dự toán, thanh quyết toán tiền hỗ trợ lãi suất thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan khác.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn

Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 58/2024/NĐ-CP thì một trong những đối tượng áp dụng của chính sách hỗ trợ tín dụng đầu tư trồng rừng gỗ lớn từ ngày ngày 15/7/2024 bao gồm chủ rừng là doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư.

Trình tự, thủ tục về hỗ trợ đầu tư trồng rừng gỗ lớn thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mục 2 dưới đây.

Trình tự thủ tục đầu tư vào nông nghiệp

Căn cứ Điều 16 Nghị định 57/2018/NĐ-CP, trình tự thủ tục đầu tư được quy định như sau:

1. Thực hiện liên thông và rút gọn thủ tục hành chính như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP).

- Quyết định theo quy định tại điểm a khoản này là quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2020.

Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp trở lên cùng đăng ký thực hiện dự án đầu tư trên cùng địa điểm thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Doanh nghiệp có dự án thuộc danh mục quy định tại gạch đàu dòng thứ nhất khoản này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc cấp giấy phép quy hoạch để lập quy hoạch 1/500. Thời gian cung cấp thông tin hoặc cấp giấy phép quy hoạch tối đa không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp.

- Việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án thuộc danh mục quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 57 Luật Xây dựng 2014.

- Các công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị hoặc xây dựng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, hoặc trong khu nông nghiệp công nghệ cao có quy hoạch 1/500 được duyệt thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014.

- Tất cả các dự án không phải thẩm tra công nghệ trừ các dự án quy định tại Điều 30, Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2020 và Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.

2. Cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư.

3. Dự án đầu tư thuộc danh mục quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất khoản (i) mục này, khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan Nhà nước tại địa phương không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi có quy định của Luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ vào nông nghiệp

Căn cứ Điều 17 Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ như sau:

1. Hồ sơ, trình tự đề nghị hỗ trợ.

- Doanh nghiệp gửi 03 bộ hồ sơ gồm Dự án đầu tư, văn bản Đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp tới Sở Kế hoạch và Đầu tư (Mẫu số 02 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP).

- Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản thẩm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Mẫu số 03 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP), trong vòng 05 ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Văn bản cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (Mẫu số 04 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP). Trường hợp từ chối cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi doanh nghiệp nêu rõ lý do.

- Trường hợp sử dụng ngân sách trung ương thì thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Nghiệm thu hạng mục đầu tư hoặc toàn bộ dự án.

- Căn cứ đề nghị nghiệm thu của doanh nghiệp, trong thời hạn 05 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mời các cơ quan liên quan tham gia Hội đồng nghiệm thu.

- Nội dung nghiệm thu: Nghiệm thu hạng mục, toàn bộ dự án theo Định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

- Biên bản nghiệm thu của hội đồng nghiệm thu (Mẫu số 05 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP) là căn cứ để giải ngân vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra các cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các văn bản khác.

3. Thủ tục nhận hỗ trợ: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị giải ngân vốn hỗ trợ gồm: Biên bản nghiệm thu, quyết định giao vốn của cơ quan có thẩm quyền gửi Kho bạc Nhà nước để được giải ngân khoản hỗ trợ trong vòng 05 ngày làm việc.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-sach-ho-tro-tin-dung-cho-ho-gia-dinh-doanh-nghiep-dau-tu-trong-rung-go-lon-tu-1572024-88654.html