Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 508/2025/NQ-HĐND, ngày 3/4/2025 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2025, 2026.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 508/2025/NQ-HĐND, ngày 3/4/2025 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2025, 2026.
Theo đó, NQ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2025, 2026. Đối tượng áp dụng là bác sĩ đang công tác tại các cơ sở điều trị trong ngành Y tế tỉnh; bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Trung tâm Y tế cấp huyện; bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Điều kiện hỗ trợ: Không trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có). Có chuyên ngành được cử đi đào tạo phải đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bố trí, sử dụng, phù hợp với vị trí việc làm của đơn vị cử đi đào tạo và phải do cấp có thẩm quyền quyết định. Các đối tượng được hưởng một lần theo chính sách hỗ trợ quy định tại NQ này ngay sau khi có bằng tốt nghiệp sau đại học; giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chuyển giao kỹ thuật. Cam kết thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Nguyên tắc hỗ trợ: Trường hợp tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng từ các chương trình, đề án khác của tỉnh, các bộ, ngành trung ương; học bổng từ các nguồn tài trợ hợp pháp thì không được hưởng chính sách tại NQ này. Trường hợp đối tượng được cử đi đào tạo theo chính sách hỗ trợ tại NQ này mà không hoàn thành chương trình đào tạo; không được công nhận kết quả học tập; không thực hiện đúng nội dung cam kết về công tác tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật và phải đền bù chi phí hỗ trợ đào tạo theo quy định từ Điều 7 đến Điều 14 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo sau đại học: Ngoài chế độ tiền lương và các chế độ khác thực hiện theo quy định của pháp luật, đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này được hỗ trợ như sau: Đào tạo trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II là 100 triệu đồng/khóa học; đào tạo trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 60 triệu đồng/khóa học.
Chính sách hỗ trợ bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chuyển giao kỹ thuật: Ngoài chế độ tiền lương và các chế độ khác thực hiện theo quy định của pháp luật, đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này được hỗ trợ 100% học phí toàn khóa học.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp quản lý nhà nước của Luật Ngân sách nhà nước.
H.L (TH)