Chính sách cải cách bộ máy nhà nước: Từ Argentina cho đến Mỹ
Tại Bộ Cải cách và Chuyển đổi Nhà nước Argentina, hai tập tài liệu dày cộp về các quy định cần loại bỏ nằm trên bàn, cạnh bức tượng nhỏ của Tổng thống Javier Milei cầm chiếc cưa máy - biểu tượng cho chính sách tinh giản bộ máy nhà nước của ông.
Những cải cách mạnh mẽ này không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế Argentina mà còn thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk, những người đang thúc đẩy xu hướng thu hẹp bộ máy chính quyền liên bang tại Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Milei, Argentina đã cắt giảm một nửa số bộ, hạ cấp các cơ quan như Giáo dục, Văn hóa và Lao động, đồng thời giảm 10% số lượng nhân viên khu vực công vào năm ngoái. Một loạt bài kiểm tra "phù hợp" được áp dụng để xác định ai sẽ bị sa thải. Tỷ lệ vượt qua bài kiểm tra là 96% tính đến tháng 12, làm dịu đi một số lo ngại.
Những biện pháp này giúp Argentina giảm thâm hụt tài chính và kiểm soát lạm phát ba chữ số, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng nghèo đói, vốn vẫn ở mức cao dù đã giảm từ hơn 50% vào năm ngoái.
![Tổng thống Javier Milei cầm chiếc cưa máy - biểu tượng cho chính sách tinh giản bộ máy nhà nước của Argentina. Ảnh: GI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_197_51463789/3245c628f6661f384677.jpg)
Tổng thống Javier Milei cầm chiếc cưa máy - biểu tượng cho chính sách tinh giản bộ máy nhà nước của Argentina. Ảnh: GI
Elon Musk và Tổng thống Milei đã gặp nhau nhiều lần trong những tháng gần đây, với vị tỷ phú ca ngợi chính sách của Argentina là một hình mẫu cho Mỹ.
Ông chia sẻ một video thảo luận với Bộ trưởng Bãi bỏ Quy định Federico Sturzenegger, gọi các biện pháp này là "tuyệt vời". Trong khi đó, chính quyền ông Trump, thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), cũng đang tìm cách cắt giảm bộ máy liên bang theo hướng tương tự.
Dù có những điểm chung, bối cảnh của hai nước rất khác nhau. Argentina đang vật lộn với suy thoái kinh tế, dự trữ cạn kiệt và nợ công lớn, trong khi Mỹ vẫn duy trì sự ổn định tài chính. Ông Milei không có sự ủng hộ vững chắc trong Quốc hội, buộc ông phải dựa vào các đồng minh bảo thủ để thúc đẩy cải cách.
Chính phủ Argentina đã loại bỏ hàng loạt quy định nhằm khuyến khích cạnh tranh, từ kiểm soát tiền thuê nhà đến thuế xuất khẩu nông sản và xe điện. Đồng thời, ông Milei cắt giảm tài trợ cho các chương trình xã hội nhưng tăng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nghèo để giảm nguy cơ biểu tình.
Tuy nhiên chính sách này cũng vấp phải phản đối. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Silvina Batakis cho rằng việc thu hẹp Chính phủ không nên làm tổn hại đến những nhóm yếu thế nhất. "Tôi ủng hộ tài khóa cân bằng và một nhà nước hiệu quả, nhưng điều đó không thể đạt được bằng cách lấy đi thuốc men của bệnh nhân ung thư hay làm suy yếu hệ thống hưu trí", bà nói.
Bất chấp tranh cãi, ông Milei vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể. Theo khảo sát của Atlas Intel vào tháng 1, có tới 47% số người được hỏi chấp thuận cách điều hành của ông, tăng so với 43% vào tháng 7 năm ngoái. Tổng thống khẳng định rằng chính sách của ông đã thúc đẩy niềm tin thị trường và thu hút đầu tư, mặc dù phần lớn sự phục hồi của Argentina vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng.
Trong văn phòng của mình, Bộ trưởng Sturzenegger chỉ vào hai chồng tài liệu dày được buộc ruy băng xanh trắng - những quy định mà ông cho là cần loại bỏ hoặc sửa đổi. Ông đang tận dụng khoảng thời gian còn lại trong sắc lệnh khẩn cấp của Quốc hội để đẩy nhanh cải cách, với một chiếc đồng hồ đếm ngược trong văn phòng nhắc nhở rằng chỉ còn "161 ngày" để hoàn thành mục tiêu.
"Bây giờ là lúc đưa cưa máy vào sâu hơn", ông nói. "Chúng tôi sẽ đi từng bộ phận và hỏi: ‘Bạn làm gì?’. Nếu không cần thiết, chúng tôi sẽ đóng cửa".