Chính phủ triển khai linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 8-11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Tiến Linh

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Tiến Linh

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ xác định tập trung nguồn lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%.

Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, đào tạo lại tay nghề, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động...

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, cần phát huy vai trò của nông nghiệp trong biến động kinh tế do dịch bệnh gây ra. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn vào khu vực nông thôn, miền núi nhằm thúc đẩy vùng này phát triển; quản lý giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất nông nghiệp; các giải pháp kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi giá trị để khắc phục “điệp khúc” được mùa mất giá...

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục có những tác động nặng nề đến đời sống của nhân dân; đặc biệt là người dân nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo; dẫn đến mục tiêu giảm nghèo Quốc hội đề ra sẽ gặp trở ngại rất lớn. Nên Chính phủ cần có chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

“Chính phủ cần tập trung nguồn vốn đầu từ cho vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo từ năm 2022 và những năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, thành thị và miền núi; đồng thời giữ vững được thế trận quốc phòng - an ninh, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở những địa bàn chiến lược này; tạo sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc” - đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Tiến Linh

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Tiến Linh

Đối với vấn đề giáo dục, các đại biểu lo lắng về những hạn chế trong việc dạy trực tuyến sẽ không đảm bảo được chất lượng giáo dục, đặc biệt ở những vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, phụ huynh không có điều kiện trang bị thiết bị cho các cháu học tập.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp này có hạn chế đối với vùng DTTS và miền núi và con em các gia đình nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế; kể cả bản thân giáo viên cũng lúng túng trong phương pháp giảng dạy trực tuyến...

“Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình mới; xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp đảm bảo chất lượng, chính xác, khách quan, công bằng; thống nhất phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giáo dục, triển khai tiêm vaccine cho học sinh...” - đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chinh-phu-trien-khai-linh-hoat-dong-bo-hieu-qua-cac-giai-phap-phong-chong-dich-covid-19-va-phuc-hoi-kinh-te-post445271.html