Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - 'pháo đài bất khả xâm phạm', niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Cả thế giới nhắc đến “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ” với sự yêu mến, khâm phục.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20”. Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam in đậm dấu ấn trong những quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ, hy sinh của cả dân tộc để đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thắng lợi hoàn toàn.

Thứ nhất, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong đánh giá tình hình, quyết định phá Kế hoạch Navarre, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp thực hiện cải tổ chỉ huy quân đội ở Đông Dương. Theo đó, tháng 5/1953, tướng H.Navarre được điều sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng R.Salan. Chỉ hơn một tháng sau, H.Navarre đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre và được Hội đồng Quốc phòng Pháp chấp thuận. Kế hoạch Navarre nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.

Trước tình hình địch ráo riết chuẩn bị thực hiện Kế hoạch Navarre, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 -1954. Với bản lĩnh kiên định và trí tuệ tập thể, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đã xác định quyết tâm, phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến đúng đắn là: Dùng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở các cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối yếu, tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai; cùng lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, buộc chúng phân tán quân cơ động để đối phó trên nhiều hướng, khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, còn các hướng khác là hướng phối hợp.

Triển khai thực hiện phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến đã được xác định trong kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công trên các hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Khối cơ động chiến lược của Pháp bị chia nhỏ, phân tán trên nhiều chiến trường.

Ý đồ của địch là tập trung lực lượng lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với bộ đội chủ lực ta, nhằm đè bẹp chiến tranh du kích và uy hiếp vùng tự do bị thất bại. Bằng các cuộc tiến công trên 5 hướng, ta điều được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và bảo vệ được vùng tự do. Đồng thời, tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác chiến tập trung của các đại đoàn chủ lực với chiến tranh du kích rộng khắp, kết hợp giữa mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch và với chiến trường hai nước Lào và Campuchia, từ đó làm cho Kế hoạch Navarre bị đảo lộn, từng bước đi tới phá sản.

Các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Khi ta đang tích cực thực hiện kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, thì ý đồ của Bộ chỉ huy quân Pháp là chủ động tiến hành một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định trên một chiến trường do chúng lựa chọn để tiêu diệt chủ lực của ta.

Tuy nhiên, khi phát hiện bộ đội ta di chuyển lên Tây Bắc, thấy nguy cơ Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp, địch buộc phải điều chỉnh kế hoạch, vội vã điều lực lượng sang Trung Lào và sử dụng 6 tiểu đoàn quân tinh nhuệ nhất của chúng nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương để bảo vệ Thượng Lào và sử dụng Điện Biên Phủ như cái bẫy nhằm thu hút, “nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Giới quân sự Pháp và Mỹ coi đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương.

Trước diễn biến mới của tình hình, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954. Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng rất lớn, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, điều kiện thực tế và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.

Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng” và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay. Đây thực sự là một quyết tâm đầy bản lĩnh, trí tuệ, đặt ra yêu cầu phải phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, vì ta chấp nhận giao chiến ở nơi kẻ thù có lực lượng mạnh nhất và thắng lợi ở trận chiến này sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh.

Với tầm nhìn sâu rộng, tư duy quân sự sắc sảo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết sách đúng đắn, để quân và dân ta nỗ lực chủ động, khôn khéo, kiên quyết phá Kế hoạch Navarre ngay từ đầu, buộc chúng phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn. Chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ chiều 7/5/1954 đã chứng minh chủ trương chiến lược phá Kế hoạch Navarre và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

(Còn nữa)

(theo Báo QĐND)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-/chien-thang-dien-bien-phu-chien-thang-cua-ban-linh-tri-tue-va-chu-nghia-anh-hung-cach-mang-viet-nam-ez90PUxIg.html