Chiêm ngưỡng trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk

Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày chuyên đề 'Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk' với gần 200 hình ảnh, hiện vật.

Ngày 8/3, Bảo tàng Đắk Lắk khai mạc trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk” và giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại bảo tàng.

Bảo tàng khai mạc trưng bày chuyên đề trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk

Bảo tàng khai mạc trưng bày chuyên đề trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk

Chuyên đề trưng bày 45 hình ảnh, 130 hiện vật được chia thành 8 chủ đề tương ứng với 8 nhóm ngôn ngữ, một bài viết giới thiệu chung về trang phục các dân tộc ở Đắk Lắk.

Trang phục của dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu, Xiêng

Trang phục của dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu, Xiêng

Chuyên đề nhằm hưởng ứng Lễ hội cà phê lần thứ 8, năm 2023. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em sinh sống đã làm nên bản sắc văn hóa vô cùng phong phú.

Trang phục dân tộc Ba Na, Mảng, Kháng

Trang phục dân tộc Ba Na, Mảng, Kháng

Thông qua trưng bày, bảo tàng mong muốn giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk.

Y phục nam nữ của dân tộc Khơ mú và dân tộc Cor

Y phục nam nữ của dân tộc Khơ mú và dân tộc Cor

Theo ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, để tạo không gian cho chủ thể văn hóa thực hành di sản, du khách có cơ hội trải nghiệm, tương tác và giao lưu trực tiếp với các chủ thể văn hóa cùng với trưng bày, bảo tàng tổ chức hoạt động trải nghiệm như: Dệt vải thổ cẩm, giới thiệu một số đặc sản Đắk Lắk…

Y phục cưới của dân tộc Khmer

Y phục cưới của dân tộc Khmer

“Nhằm hướng đến tiêu chí lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục di sản văn hóa, chúng tôi phối hợp với các trường học tổ chức chương trình giáo dục kết hợp với các hoạt động nêu trên. Qua đó, tạo môi trường học tập thực tế trực quan sinh động cho học sinh, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ”, ông Đinh Một cho biết.

 Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái

Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái

Cùng với khai mạc trưng bày, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk giới thiệu và đưa vào phục vụ khách tham quan hệ thống thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo và tương tác với hiện vật 3D.

Bảo tàng giới thiệu, đưa vào phục vụ hệ thống thuyết minh tự động

Bảo tàng giới thiệu, đưa vào phục vụ hệ thống thuyết minh tự động

Hệ thống thuyết minh tự động bước đầu gồm 33 điểm tích hợp các câu chuyện tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng về nội dung. Du khách chủ động tìm hiểu thông tin trưng bày trải nghiệm thực tế ảo và tương tác với hiện vật 3D bước đầu gồm 16 hiện vật.

Hoa văn trên trang phục của dân tộc Khơ Mú

Hoa văn trên trang phục của dân tộc Khơ Mú

Chuyển đổi số mang đến cho du khách thông tin và những góc nhìn đa chiều đặc trưng về tự nhiên, lịch sử văn hóa của vùng đất con người Đắk Lắk từ quá khứ đến hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Huyền (du khách) cho biết, đây là hình thức giúp đông đảo du khách đến trực tiếp và cả người chưa có điều kiện đến bảo tàng, dễ dàng tham quan, tìm hiểu khám phá các tài liệu, hiện vật độc đáo được trưng bày.

Các hoạt động trải nghiệm dệt thổ cẩm...

Các hoạt động trải nghiệm dệt thổ cẩm...

Chị Huyền hào hứng, chỉ với thao tác chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị.

Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chiem-nguong-trang-phuc-truyen-thong-cac-dan-toc-o-dak-lak-post1515906.tpo