Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch Covid-19 trong quản trị doanh nghiệp

Cả nước có khoảng 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, tập trung chủ yếu ở các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo...

Thông tin trên được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tại Diễn đàn đa phương 2020 với chủ đề "Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19". Diễn đàn năm thứ ba do Samsung Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, sáng nay 29-10.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, những tháng tới, do không ít doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, thậm chí hàng đã sản xuất nhưng bị lưu kho do đối tác chưa nhận hàng, dự báo, số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể tăng thêm. Không ít doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, trong đó có doanh nghiệp dự kiến giảm 50% - 60% số lao động...

Quang cảnh diễn đàn diễn ra sáng nay, 29-10.

Trước thực trạng này, tổ chức công đoàn đã chủ động tham gia phòng, chống dịch, thăm hỏi, chia sẻ và chăm lo cho quyền lợi của người lao động để bảo đảm quyền có việc làm, có thu nhập. Nhờ đó, đại bộ phận người lao động đã chia sẻ với doanh nghiệp, chấp nhận giảm thu nhập và đặc biệt, người lao động không bỏ doanh nghiệp.

Đại diện các tổ chức, hiệp hội tham gia diễn đàn cho rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với Covid-19, không chỉ trong hợp tác, ứng phó với dịch bệnh, mà cả trong quản trị và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, người lao động là rất cần thiết. Các ý kiến cũng cho rằng, gói 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ triển khai đã hỗ trợ kịp thời đối với người lao động. Cùng với đó, sự chuyển đổi, thích ứng nhanh với tình hình của doanh nghiệp đã thúc đẩy tích cực sự hồi phục của doanh nghiệp.

Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, doanh nghiệp và người lao động cần chia sẻ khó khăn, lợi ích được hưởng trong giai đoạn thuận lợi. Các doanh nghiệp cần xây dựng khả năng chống chọi chuỗi cung ứng, nâng cao trình độ người lao động trong sản xuất, tăng cường kỹ năng của người lao động, giúp họ chuẩn bị tốt hơn trong đại dịch hoặc tình huống khó khăn mới.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, những nỗ lực tuyệt vời trong phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và người dân giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã giúp cho Tổ hợp Samsung trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung trên thế giới có thể duy trì sản xuất ổn định và bảo đảm hoạt động xuất khẩu. Nhờ đó, không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.

Về hiệu quả của các giải pháp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, nếu như cuối quý I-2020, 80% doanh nghiệp cho biết khó "trụ" đến hết năm, thì đến đầu quý III-2020, chỉ còn 20% doanh nghiệp dự báo thu hẹp sản xuất hoặc rời khỏi thị trường, trong khi 80% đã duy trì được sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Đó là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn.

Cũng tại diễn đàn, các kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19 liên quan đến các vấn đề về quản trị, ứng phó có trách nhiệm; duy trì, bảo đảm nguồn lực con người cũng như phát triển công nghệ phục vụ cho phục hồi và tái thiết trong giai đoạn bình thường mới đã được chia sẻ.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/982212/chia-se-kinh-nghiem-ung-pho-dich-covid-19-trong-quan-tri-doanh-nghiep