Chỉ đi bộ có đủ để tăng cường sức khỏe?
Ai cũng biết đi bộ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nếu chỉ thực hiện riêng hoạt động đi bộ có đủ để tăng cường sức khỏe?
1. Lợi ích của đi bộ
Đi bộ là bài tập tim mạch dễ tiếp cận và hiệu quả nhất. Hoạt động này cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng tuần hoàn, tăng dung tích phổi và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Đi bộ là một bài tập tác động thấp, cực kỳ nhẹ nhàng với các khớp nên được coi là bài tập tốt cho mọi người để điều chỉnh theo mức độ thể lực. Cho dù là người mới bắt đầu hay người tập thể dục thường xuyên, đi bộ có thể là nền tảng cho thói quen tập thể dục.
Tuy nhiên, đi bộ chủ yếu liên quan đến phần thân dưới và có thể không đủ sự kích thích ở phần thân trên hoặc phần lõi. Chính vì thế, nếu không có các hoạt động thể chất khác diễn ra đồng thời, đi bộ sẽ không góp phần vào việc rèn luyện thể lực tổng thể. Do đó, thói quen tập thể dục tốt nhất sẽ là sự kết hợp của các bài tập thể dục tập trung vào cơ, xương và sự linh hoạt...

Đi bộ tốt cho sức khỏe nhưng chưa đủ để tác động toàn diện đến cơ thể.
2. Những bài tập nên kết hợp với thói quen đi bộ
Bài tập tập luyện sức mạnh
Tập luyện sức mạnh có lợi cho việc phát triển, duy trì cơ bắp của cơ thể, góp phần vào tăng mật độ xương và tăng cường thể lực.
Thêm tập luyện sức mạnh vào thói quen khi đi bộ cũng sẽ giúp tác động đến cơ thể toàn diện hơn. Bên cạnh đó, tập luyện sức mạnh còn ngăn ngừa mất cân bằng cơ, có thể là kết quả của các chuyển động lặp đi lặp lại khi đi bộ, giúp cơ thể duy trì tư thế tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Đi bộ kết hợp bài tập sức mạnh tăng cường thể lực và phát triển cơ bắp.
Kết hợp bài tập cốt lõi với đi bộ
Một cốt lõi khỏe mạnh sẽ duy trì tư thế tốt, ngăn ngừa đau lưng và đạt được trạng thái cân bằng và ổn định chung. Đi bộ về cơ bản sẽ tác động đến phần thân dưới nhưng hoạt động này không tác động sâu đến các cơ cốt lõi.
Khi thêm các bài tập cốt lõi vào thói quen đi bộ có thể giúp cải thiện dáng đi, giảm nguy cơ chấn thương và tăng cường thể lực. Có nhiều bài tập cốt lõi khác nhau như plank, side plank... giúp tăng hiệu quả chuyển động và sức bền khi đi bộ.
Kết hợp các bài tập kéo giãn
Kết hợp các bài tập kéo giãn và vận động vào thói quen đi bộ có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động, tăng cường phục hồi cơ và ngăn ngừa tình trạng căng cứng.
Kéo giãn có thể được thực hiện như là phần khởi động và hạ nhiệt khi đi bộ. Kéo giãn bao gồm các hoạt động vung chân, xoay cánh tay hoặc xoay hông. Sau khi đi bộ, kéo giãn trong 20-30 giây giúp tăng độ linh hoạt và sau đó giải phóng căng thẳng ở các cơ, đặc biệt là bắp chân, gân kheo, cơ tứ đầu và cơ gấp hông.
Kết hợp với bài tập thăng bằng
Khi thêm các bài tập thăng bằng vào thói quen đi bộ sẽ giúp cơ thể cải thiện sự ổn định, phối hợp, giảm nguy cơ té ngã, chấn thương. Các bài tập thăng bằng gồm có đứng bằng một chân, đi bằng gót chân hoặc bài tập thăng bằng trên ván khi đi bộ.
Các bài tập này nhắm vào các cơ ổn định ở mắt cá chân, đầu gối và hông, rất quan trọng để giúp bạn đi lại đúng cách và ngăn ngừa té ngã. Bài tập thăng bằng có thể thực hiện trước hoặc sau khi đi bộ.
3. Một số lưu ý khi đi bộ để đạt hiệu quả cao
Giữ tư thế đúng để tránh làm căng cơ và các khớp.
Mang giày phù hợp để tránh khó chịu hoặc chấn thương.
Duy trì tốc độ đi bộ ổn định.
Thực hiện khởi động, hạ nhiệt vào thời điểm trước và sau khi đi bộ.
Vung tay đúng cách.
Mặc dù có lợi cho sức khỏe tinh thần, sức khỏe tim mạch và khả năng vận động, nhưng cần kết hợp đi bộ với các hoạt động thể chất khác để có một thói quen tập thể dục toàn diện, nâng cao sức khỏe.
Mời bạn xem tiếp video:
Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-di-bo-co-du-de-tang-cuong-suc-khoe-169250426130023968.htm