Chỉ cải cách thủ tục hành chính chưa đủ giảm khó cho doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chia sẻ điều này khi nhận diện những khó khăn của doanh nghiệp. Thậm chí, giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp chờ đợi là gỡ điểm nghẽn thể chế theo ông Hiếu cũng cần có những góc nhìn mới.
Doanh nghiệp đang khó những gì
Khó khăn của doanh nghiệp đang tăng theo những bất ổn của tình hình thị trường thế giới. Đây là điểm chung từ các ý kiến doanh nghiệp tham gia Diễn đàn doanh nghiệp 2025 - Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều 17/4/2025.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI đã nhắc đến những yếu tố khó lường, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng... khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy...
Đặc biệt, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ D.Trump công bố ngày 2/4, đang trong giai đoạn 90 ngày đàm phán đã, đang và sẽ tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
"Thời gian không dài và thách thức vẫn còn phía trước, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang được đặt ra", Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Trong khi đó, các khó khăn vốn có của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lớn. Lãnh đạo VCCI đã điểm danh đến những rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dễ gây thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro rất cần được cải thiện theo hướng tiết giảm.
Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự đi vào cuộc sống, đối tượng thụ hưởng còn khiêm tốn, tính công bằng trong tiếp cận các loại nguồn lực cho phát triển chưa rõ nét.
Báo cáo của TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tại Diễn đàn tiếp tục nhắc đến khó khăn trong tiếp cận vốn, khó khăn thị trường đầu ra, năng lực cạnh tranh còn thấp... Ngay cả việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ cũng không phải đơn giản với các doanh nghiệp. Hồ sơ thủ tục phức tạp, chi phí cao và đặc biệt là thủ tục hành chính dù đã được cải thiện song còn nhiều quy định thiếu ổn định, gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
“Có lẽ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải được thiết kế trên cơ sở tính toán cả chi phí tuân thủ. Nếu chi phí quá cao, doanh nghiệp không tiếp cận được”, TS. Mạc Quốc Anh đề xuất.
Cùng với đó, ông Quốc Anh tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng; cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo chính sách ổn định, nhất quán, dự báo được...
"Đến năm 2027, các bộ, ngành, địa phương thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính", ông Quốc Anh đề nghị.
Cải cách thủ tục hành chính là chưa đủ
Hình ảnh ông Hiếu mang đến Diễn đàn là chồng chất quy định oằn trên vai doanh nghiệp. “Nếu thế chể không tốt, thì doanh nghiệp sẽ phải đối diện với gánh nặng chi phí rất lớn”, ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.
Đó là chi phí thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí, chi phí đầu tư để tuân thủ một quy định và chi phí cơ hội. Có thể vì 1 thủ tục không hoàn thành đúng thời hạn, khách hàng sẽ bỏ đi...
Như vậy, mục tiêu lớn hơn cần làm để giải tỏa gánh nặng, sức ép cho doanh nghiệp phải là cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, chứ không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính.
“Cơ hội cải cách thể chế là rất lớn, có thể hình dung động vào đâu cũng có thể cải cách được. Nhưng nếu chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng năm nay làm tốt hơn năm trước sẽ không thể đạt kết quả, mà cần đột phá mạnh mẽ cả về tư duy và hành động”, ông Hiểu bày tỏ quan điểm.
Cụ thể, ông đề xuất ưu tiên bãi bỏ những quy định không cần thiết, kể cả luật, sau đó mới xem sửa đổi những quy định còn lại. Nguyên tắc là làm sạch các quy định hiện hành, kiểm soát quy định mới với cùng tư duy là "doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm".
Dựa trên kinh nghiệm của một số nước trong giai đoạn đầu cải cách, ông Hiếu cho rằng cần thành lập 1 cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ, có thẩm quyền ra quyết định, giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế.
“Chúng ta xác định cải cách là việc làm thường xuyên, nhưng cần cơ chế để duy trì tính bền vững của cải cách. Cơ chế này cần trả lời là làm thế nào, ai là người duy trì và thực hiện tính bền vững này”, ông Hiếu đặt vấn đề.