Châu Á - Thái Bình Dương: Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và sinh kế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực này có thể cải thiện khả năng bảo vệ tài chính trước các rủi ro khí hậu nghiêm trọng và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giải quyết các khoảng cách về khả năng chi trả bảo hiểm, khả năng tiếp cận và nhận thức.

 Nông dân đối mặt với thiệt hại lớn do tình trạng khô hạn ở tỉnh Đông Java, Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nông dân đối mặt với thiệt hại lớn do tình trạng khô hạn ở tỉnh Đông Java, Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Những tổn thất đáng kể

Châu Á - Thái Bình Dương hiện đang gánh chịu phần lớn tác động của biến đổi khí hậu. Theo Viện Swiss Re, khu vực này có thể mất 26,5% GDP vào năm 2050, nếu không có hành động giảm thiểu khí hậu nào được thực hiện.

Trong đó, 75% thiệt hại hàng năm trên toàn cầu đối với vốn cổ phần do lũ lụt ven sông có khả năng xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương, đe dọa các tòa nhà, máy móc và cơ sở hạ tầng. Những đợt sóng nhiệt nguy hiểm cũng đang rình rập, 600 triệu đến 1 tỷ người trong khu vực này có thể sống ở những khu vực có khả năng xảy ra sóng nhiệt nguy hiểm, nếu không có biện pháp thích ứng và giảm thiểu nào được thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, Hãng tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh McKinsey & Company lưu ý, áp lực gia tăng của nhiệt độ và độ ẩm đối với năng suất lao động và chăm sóc sức khỏe có thể khiến từ 2,8 - 4,7 nghìn tỷ USD GDP của khu vực gặp rủi ro.

Mức nhiệt độ cao hơn cũng làm tăng nhu cầu năng lượng để làm mát, khiến ngành năng lượng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi tình trạng gián đoạn liên quan đến khí hậu, trong bối cảnh phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.

Ngoài ra, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổn thất về sản xuất cây trồng và vật nuôi, trung bình ở mức 123 tỷ USD mỗi năm ở châu Á - Thái Bình Dương, tương đương 5% GDP nông nghiệp toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của nông dân và ngư dân.

Cuối cùng, 63% GDP của khu vực, tương đương 19 nghìn tỷ USD đang bị đe dọa, do mất đa dạng sinh học và những tổn thất liên quan đến thiên nhiên, số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho hay.

Thu hẹp khoảng cách bảo vệ

Trước những tác động của khí hậu, ông Arup Kumar Chatterjee, chuyên gia trưởng về lĩnh vực tài chính tại Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng, bảo hiểm đóng vai trò là yếu tố quan trọng trong nỗ lực bảo vệ. Tuy nhiên, khu vực đang đứng trước một khoảng cách bảo vệ lớn về bảo hiểm và lương hưu.

Khoảng cách bảo vệ ở châu Á - Thái Bình Dương ước tính ở mức 886 tỷ USD theo điều khoản phí bảo hiểm, tăng 38% so với năm 2017 và hiện gần bằng một nửa khoảng cách toàn cầu. Chỉ có 9% thiệt hại kinh tế, tương đương 6 tỷ USD được bảo hiểm chi trả.

Khoảng cách bảo vệ trước thảm họa cũng đáng chú ý, khi tác động của rủi ro chỉ riêng từ các mối nguy hiểm tự nhiên ước tính khoảng 280 tỷ USD, trong đó chỉ có 120 tỷ USD được bảo hiểm.

Nhiều khoảng cách khác nhấn mạnh thêm vấn đề này. Trong đó, khoảng cách bảo vệ sức khỏe, hay sự thiếu hụt giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và các dịch vụ mà họ có thể chi trả, ước tính ở mức 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2019, tương đương 10% thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm. Tiếp đó, bảo hiểm mùa màng là một công cụ quản lý rủi ro hiệu quả có thể làm giảm biến động giá, ổn định thu nhập cho nông dân, cải thiện khả năng phục hồi trước các mối nguy hiểm về thời tiết và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính nông nghiệp. Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với khoảng cách bảo vệ nông nghiệp đáng kể, khi chỉ có 15% thiệt hại kinh tế trong khu vực được bảo hiểm.

Ngoài ra, nhiều quốc gia thiếu các hệ thống bảo vệ xã hội mạnh mẽ, và tỷ lệ bao phủ lương hưu cũng rất thấp. Người trên 60 tuổi dự kiến sẽ chiếm 25% dân số của khu vực vào năm 2050, tăng từ 14% vào năm 2020. “Khi tất cả mọi người, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng tiếp cận, bảo hiểm sẽ mang lại sự ổn định và hy vọng. Bằng cách thu hẹp khoảng cách bảo hiểm, chúng ta có thể hỗ trợ phát triển và giải quyết các thách thức về khí hậu”, ông Arup Kumar Chatterjee nhận định.

Bảo hiểm cũng giúp các chính phủ quản lý các cú sốc và hoạt động như một công cụ để ổn định nền kinh tế trong những cuộc khủng hoảng. Bảo hiểm cung cấp thanh khoản sau thảm họa và giảm bớt gánh nặng tài chính. Bảo hiểm nhân thọ và lương hưu đóng vai trò quan trọng trong việc huy động tiền tiết kiệm cho phát triển bền vững, khuyến khích các hành vi giảm thiểu rủi ro và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Việc giải quyết khoảng cách bảo vệ bảo hiểm ở châu Á - Thái Bình Dương rất cần thiết để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các cú sốc về khí hậu và kinh tế. Bằng cách áp dụng các biện pháp tập trung vào khả năng chi trả, khả năng tiếp cận, nhận thức, quản lý và sự tin tưởng, các hệ thống bảo hiểm có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương và thúc đẩy sự ổn định lâu dài.

Lê Thảo (Lược dịch từ Mckinsey, ADB & WEF)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/chau-a-thai-binh-duong-dam-bao-tuong-lai-an-toan-cho-cac-cong-dong-de-bi-ton-thuong-148329.html