Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ở đường Trịnh Công Sơn

Tháng 3/2011, HĐND tỉnh chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, TP. Huế (nay là phường Gia Hội), nằm cạnh bên công viên (CV) Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, chỉ sau 12 năm, con đường này đã trở thành 'phố ăn nhậu' với hàng chục quán mọc lên san sát ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và làm nhếch nhác cả tuyến đường.

Đường Trịnh Công Sơn trở thành “phố ăn nhậu” chỉ sau 2 năm tuyến đường này được đặt tên

Đường Trịnh Công Sơn trở thành “phố ăn nhậu” chỉ sau 2 năm tuyến đường này được đặt tên

“Phố nhậu”

Nằm ở phường Gia Hội, TP Huế, CV Trịnh Công Sơn rộng khoảng 6,2ha, kéo dài gần một km dọc theo hạ nguồn sông Hương. Năm 2010, để xây dựng CV và con đường mang tên Trịnh Công Sơn, chính quyền đã di dời hàng trăm hộ dân phường Phú Cát cũ.

Đường Trịnh Công Sơn có chiều dài 600m, khởi đầu từ cầu Gia Hội chạy dọc bờ sông Hương đến vị trí giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường được che phủ bởi những hàng cây và nằm dọc bờ sông Hương nên luôn tạo cảm giác mát mẻ, thoáng đãng, là tuyến đường được người dân ưa thích khi ngang qua. Thế nhưng, khác với tên gọi của nó, từ sau khi đưa vào sử dụng, nhiều nhà hàng, quán nhậu mọc lên nên tuyến đường trở nên ồn ào, náo nhiệt và nhếch nhác. Nhiều hàng quán còn trưng dựng lều bạt, che chắn mái tôn và lắp đặt hệ thống điện khắp nơi để thu hút khách.

Ông Hoàng Trọng Kính, phường Gia Hội chia sẻ: “Đường Trịnh Công Sơn là một trong những tuyến đường nằm ở vị trí đẹp của thành phố, vừa nằm dọc bờ sông Hương, cây cổ thụ nhiều nên không khí thoáng mát, yên tĩnh. Thế nhưng, do quán xá cứ chen chúc mọc lên, lưu lượng xe cộ gia tăng nên phát sinh nhiều tệ nạn, vừa ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn và trở nên nhếch nhác, lộn xộn, thành phố cần có giải pháp chấn chỉnh.

 Cạnh bên là Công viên Trịnh Công Sơn

Cạnh bên là Công viên Trịnh Công Sơn

Cần giải pháp mạnh

Trước thực trạng trên, UBND TP. Huế chỉ đạo Đội Quản lý đô thị (QLĐT) phối hợp với UBND phường Gia Hội kiểm tra thực tế. Trong đó, các hộ dân dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn đa số là các hộ dân chưa thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng khu vực bờ sông Hương. Các quán, hàng quán buôn bán, kinh doanh đã phát sinh từ khi thực hiện di dời, giải tỏa các hộ dân thực hiện dự án giải tỏa, thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch chi tiết khu đô thị cổ dọc trục đường Chi Lăng năm 2007. Hiện tại các hộ còn lại thuộc nhóm 19 hộ chưa nhận đất, chưa nhận tiền đền bù và tự ý xây dựng, che chắn hoặc cho các hộ bên ngoài vào thuê để kinh doanh, buôn bán và lấn chiếm phần CV điểm xanh dọc đường Trịnh Công Sơn do Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) Huế quản lý. Ngoài ra, vào ban đêm trong khu vực nhà lục giác thuộc công viên vẫn có các hàng quán buôn bán. Các hàng quán nêu trên đa số không có giấy phép kinh doanh và tồn tại lâu năm, từ khi thực hiện dự chỉnh trang khu vực bờ sông Hương.

Lãnh đạo UBND TP. Huế cho biết, để chấn chỉnh hoạt động trên, thành phố đã chỉ đạo UBND phường Gia Hội chủ trì cùng với các đơn vị: Trung tâm CVCX Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên Môi trường, Đội QLĐT thành phố, Công an phường Gia Hội, các hộ thuê và cho thuê kinh doanh tại tuyến đường Trịnh Công Sơn và CV Trịnh Công Sơn. Tại phiên họp đối thoại trực tiếp, sau khi lãnh đạo phường Gia Hội trao đổi và ý kiến của người dân và các hộ cho thuê thì không có hộ nào đang còn đất đang tranh chấp nằm trong phía CV, do đó xác định các hộ thuê và cho thuê kinh doanh nằm phía CV là đất của Nhà nước.

Sau nhiều cuộc đối thoại và thông báo của địa phương về việc yêu cầu các hộ dân có che chắn để kinh doanh tại khu vực CV đường Trịnh Công Sơn phải tiến hành thu gom, tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng nguyên hiện trạng cũ, nhưng đến nay các hộ dân vẫn không chấp hành.

Mới đây, Trung tâm CVCX Huế đã phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan ra quân xử lý các trường hợp tự ý che chắn lều bạt, kinh doanh lấn chiếm tại các điểm xanh, CV và đã lắp dựng hàng rào tôn dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, sau đó các hộ trên đã tái lấn chiếm. Qua kiểm tra, hiện còn 4 quán có dựng rạp che để buôn bán dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn gồm: Quán 222, Ken, Quán 3B, Tèo Sơn Đại và 8 quán tự ý mở tôn tạo lối đi vào buôn bán.

Lãnh đạo Trung tâm CVCX cho biết, ngày 16/5/2023 đơn vị tiếp tục có Kế hoạch số 111, đề nghị lực lượng Công an thành phố, Đội QLĐT và chính quyền địa phương phối hợp xử lý các trường hợp tự ý che chắn các lều bạt, bắt hệ thống điện để kinh doanh lấn chiếm công viên trái phép và mở vít tháo tôn tạo lối đi vào công viên Trịnh Công Sơn để buôn bán, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm trả lại tuyến đường sạch đẹp cho thành phố.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/ban-doc-viet/chan-chinh-hoat-dong-kinh-doanh-o-duong-trinh-cong-son-129396.html