Cây tỷ đô hóa củi nơi khô hạn khốc liệt Tây Nguyên

Nắng nóng dài, mưa đến chậm khiến cho hàng chục ngàn ha cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên khô hạn, mất trắng, hàng ngàn hộ dân ngậm ngùi nhìn cà phê phải chặt bỏ làm củi.

Video: Hạn hán khốc liệt Tây Nguyên, cây cà phê hóa củi.

Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng đang thời kỳ đỉnh điểm của nắng hạn, tuy 2 tuần trở lại đây, một số nơi đã xuất hiện những cơn mưa, nhưng mưa vàng đến chậm không cứu nổi nhiều héc-ta cà phê hóa củi.

Đến nay qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Sở NN&PTNNT Lâm Đồng ghi nhận có 12.661,7 ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng. Trong đó có 672,5 ha cà phê ngoài vùng tưới công trình thủy lợi bị vàng, héo lá.

Tại huyện Di Linh - thủ phủ cà phê của tỉnh, hiện có khoảng 10.000 ha cây trồng bị thiếu nước gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trường của cây trồng (trong đó có 600 ha bị cháy, rụng lá); khoảng 9.333 ha cây trồng bị thiếu nước, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng cây trồng.

Mới hơn 9h sáng huyện Di Linh đã có nắng gắt. Ông Nguyễn Xuân Trường (xã Gung Ré, huyện Di Linh) ra thăm hơn 1 sào cà phê khô trụi lá, trơ cành để lên kế hoạch nhổ bỏ, tìm cây khác thay thế.

Ông Trường chia sẻ, khí hậu khu vực Tây Nguyên chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 10.

Bởi vậy, thiếu nước vào tháng 3 đã là chuyện bình thường. Nhưng điều bất thường là mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn nên nước ở ao hồ, sông, suối ít hơn mức bình thường, do vậy mới đến tháng 3 năm nay nước dự trữ đã cạn.

Về Gung Ré những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự khắc nghiệt của thời tiết và sự bền bỉ, chịu đựng khó nhọc của cư dân đang bám trụ ở nơi đây.

Người dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) buộc lòng đốn hạ những gốc cà phê hàng chục năm tuổi chết vì hạn hán.

Người dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) buộc lòng đốn hạ những gốc cà phê hàng chục năm tuổi chết vì hạn hán.

Đứng tại trung tâm xã Gia Bắc (huyện Di Linh), đẩy tầm mắt ra xa dễ thấy được cái nắng khắc nghiệt, gió khô thổi rát từng cơn, nhiệt độ ngoài trời đo được có khi lên tới hơn 36 độ C - điều rất hiếm ở vùng đất này.

Những rẫy cà phê đang kỳ vừa đậu quả, nuôi trái lẽ ra phải xanh tốt nhưng lại sém khô. Những ao, hồ, suối đầy nước mọi năm, giờ cạn trơ đáy. Đất dưới gốc cà phê khô rang như vôi mới ra lò.

Chị Ka M Hănh (32 tuổi) buồn bã: "Năm nay hạn nặng quá, từ đầu mùa khô giếng đã không còn giọt nước tưới. Dòng suối cạnh nhà khô cạn, chỉ còn lại dòng nước nhỏ như sợi dây thừng chạy giữa dòng. Để có nước, tôi vét một cái hố thật sâu giữa lòng suối rồi cắm vòi hút, nổ máy bơm nước. Nước chảy về nhỏ lắm, mỗi lần bơm tưới được khoảng 10 phút cho vài cây cà phê lại phải chờ cả tiếng mới có nước tưới tiếp. Nhìn cà phê cháy khô cũng đành bất lực”.

Tây Nguyên vốn là đại ngàn, nhưng giờ hoang hóa, khô hạn khắp nơi. Đây cũng là vùng đất được nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhiều nhất với trên 2.300 công trình.

Riêng Đắk Lắk có đến 782 công trình thủy nông, nhưng hiện hàng trăm hồ, đập bị thấm nước, sạt lở các mái ta luy. Đắk Nông ít hơn, nhưng cũng có 250 công trình thủy lợi, và nhiều hồ đập cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Giàu có từ cà phê, xây nhà sắm ô tô từ cà phê, nhưng đổ nợ cũng từ cà phê. Năm nay nhiều hộ dân điêu đứng vì cà phê chết hàng loạt, mất mùa. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể thấy rõ nhất là tình trạng hạn hán kéo dài.

Nhìn vườn cà phê rộng khoảng 3 ha bị héo khô, anh Minh phát rầu nói: “Những mùa khô trước, tôi chỉ tưới 3 - 4 đợt nước là đảm bảo cây cà phê phát triển. Còn năm nay, gia đình đã tưới 9 - 10 đợt nhưng do lượng nước ít quá, nhiều cây cà phê vẫn bị héo lá, khô cành, khô quả hàng loạt.

Trong khi đó, mỗi đợt tưới, tôi phải kéo ống 2 - 3 km mới đưa nước được về tới rẫy. Chi phí tưới tiêu cũng tăng cao, hơn 4,5 triệu đồng/lượt. Ước tính, vụ thu hoạch tới, cà phê của gia đình sẽ bị giảm sản lượng từ 40 = 50 %”.

Theo ông Trường, để cây cà phê cho thu hoạch, người nông dân mất 3 - 5 năm chăm sóc. Hai năm đầu tiên thu hoạch, cây sẽ cho trái rất kém, bắt đầu từ năm thứ 3, thứ 4 cây vừa cho năng suất cao vừa cho chất lượng tốt.

Mỗi năm, cây cà phê thường có một hoặc hai mùa thu hoạch, tùy thuộc vào loại cây cà phê và vùng đất nơi chúng được trồng. Mỗi cây cà phê có thể thu hoạch được tối đa 20 - 25 năm tùy giống.

Nếu cây già cỗi, cho năng suất thấp người dân sẽ đốn gốc sau mỗi vụ thu hoạch để cây ra mầm. Mầm nào to khỏe nhất sẽ được giữ lại. Khi nào đất trồng chai cứng, cạn kiệt dinh dưỡng thì người dân sẽ đốn hết cây và đánh tơi đất lên, phơi nắng, sau đó mới trồng lại.

Ấy vậy nhưng thời tiết cực đoan khiến các hộ gia đình phải phá bỏ nhiều héc-ta cà phê đang đến độ cho năng suất cao.

Chị Ka M Hănh (32 tuổi) xã Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải địu con, xách từng can nước tưới mong cứu rỗi gần 2 ha cà phê của gia đình.

Chị Ka M Hănh (32 tuổi) xã Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải địu con, xách từng can nước tưới mong cứu rỗi gần 2 ha cà phê của gia đình.

Không chỉ chạy đua với thời gian để tìm nguồn nước tưới, nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn làm đủ mọi cách diệt trừ loài rệp sáp đang tấn công vườn cây.

Anh Y Vinh Niê (xã Cư Né, huyện Krông Búk) cho hay, gia đình có gần 1 ha cà phê đang bị rệp sáp tấn công. Loài côn trùng này thường bám chặt vào cành để hút nhựa, khiến bông, thậm chí trái non của cà phê bị khô, đen hỏng hết. Để loại bỏ rệp sáp anh Y Vinh dụng vòi nước xịt trực tiếp vào cành cây. Sau đó, anh sẽ dùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để bơm xịt nhiều lần.

Chị Trần Thị Hiền (xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar) cũng đang đau đầu khi vừa lo tìm nước tưới vườn cây, vừa nghĩ cách diệt trừ loài rệp sáp đang phá hoại vườn cà phê rộng 3 ha.

Rệp sáp rất khó tiêu diệt hoàn toàn, càng nắng nóng, rệp sáp sinh sôi, phát triển càng mạnh. Do đó, gia đình chị phải kiên trì, phun rửa, làm cành, xịt thuốc để loại bỏ bớt loài côn trùng gây hại này. Bởi để lâu, cành lá, hoa, trái cà phê sẽ bị rệp sáp “bóp nghẹt” đến héo khô, dẫn đến giảm năng suất, chất lượng.

Ông Ngô Xuân Biện - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar thông tin, trên địa bàn có hơn 37.000 ha cà phê. Năm nay, hầu hết vườn cà phê bị rệp sáp tấn công, tỷ lệ gây hại từ 20 - 25%.

Để giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar đã phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện, hướng dẫn người dân cách phòng trừ.

Rệp sáp thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch, gây hại nặng nhất vào mùa khô và đầu mùa mưa.

Dấu hiệu nhận biết rệp sáp xuất hiện chính là những nấm muội đen (bồ hóng) bao phủ trên các cành, chùm quả. Loại côn trùng này sẽ hút nhựa khiến lá cà phê bị giảm khả năng quang hợp, úa vàng, quả rụng nhiều, cây phát triển kém. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn có khoảng 180 ha cà phê bị nhiễm rệp sáp, tăng khoảng 105 ha so với cùng kỳ năm 2023. Một số vùng cà phê bị nhiễm rệp sáp như: Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Búk, Cư Kuin..., bị rệp sáp tấn công với tỉ lệ hại từ 5 - 30%, chưa có vùng bị nhiễm nặng.

Để kịp thời phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, Chi cục TT&BVTV đã ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tại địa phương chủ động nắm bắt diễn biến phát sinh, phát triển của rệp sáp, kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, tránh để lây lan trên diện rộng.

Qua kiểm tra một số vườn cà phê bị nhiễm rệp sáp, điều đáng mừng là bà con đã chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, nhờ đó mật độ rệp sáp cơ bản được kiểm soát.

Không chỉ chạy đua với nắng hạn, người trồng cà phê còn chật vật vì sâu bệnh.

Không chỉ chạy đua với nắng hạn, người trồng cà phê còn chật vật vì sâu bệnh.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, giá cà phê tăng đã giúp đời sống của người sản xuất tăng lên. Tuy nhiên, vụ thu hoạch tới, bà con đối mặt với nỗi lo mất mùa bởi chịu ảnh hưởng của nắng hạn, sâu bệnh.

Hiện, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và bà con nông dân đang tích cực triển khai các giải pháp chống hạn, diệt sâu bệnh, nhằm giảm bớt tối đa mức thiệt hại.

Kỳ 1: Đỉnh giá cà phê, đỉnh điểm nỗi buồn vùng tâm hạn Tây Nguyên

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cay-ty-do-hoa-cui-noi-kho-han-khoc-liet-tay-nguyen-ar872250.html