Cây cũng biết 'thét'

Nghiên cứu cho thấy khi bị mất nước hoặc cắt bỏ thân, một số thực vật có thể phát ra tiếng nổ siêu âm gần giống bóp xốp bong bóng.

 Một cái cây được đưa vào thí nghiệm ghi âm của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Tel Aviv University.

Một cái cây được đưa vào thí nghiệm ghi âm của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Tel Aviv University.

Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell, các nhà khoa học từ Đại học Tel Aviv (Israel) cho biết khi thiếu nước hoặc bị cắt tỉa, thực vật sẽ phát ra những "thiết thét" ngắt quãng với tần số cực cao, nằm ngoài phạm vi mà con người nghe được.

Các nhà nghiên cứu đã bố trí micro xung quanh một số cây cà chua (Solanum lycopersicum) và cây thuốc lá (Nicotiana tabacum). Chúng được đặt trong hộp cách âm theo điều kiện nhà kính, một số cây được chăm sóc khỏe mạnh, phần còn lại bị đưa vào trạng thái mất nước hoặc cắt bỏ thân.

Theo Live Science, nhóm nghiên cứu thậm chí đặt micro cạnh một chậu đất (không có cây) để đảm bảo đất không phát ra âm thanh.

Kết quả, những cái cây khỏe mạnh "thét" trung bình ít hơn một lần mỗi giờ. Cây mất nước hoặc bị cắt thân phát ra khoảng 11-35 tiếng động, tùy vào loại và tác nhân ảnh hưởng.

Cụ thể, những cây cà chua bị mất nước phát ra tiếng động nhiều nhất, một số cây thậm chí "thét" hơn 40 lần/giờ.

Khi hạ xuống phạm vi tần số mà con người có thể nghe được, âm thanh của chúng giống như tiếng bóp vào màng xốp bong bóng.

Những tiếng động còn được nhóm nghiên cứu đưa vào thuật toán máy học. Kết quả cho thấy mô hình có tỷ lệ thành công 70% trong việc phân biệt âm thanh từ các loại cây với yếu tố tác động khác nhau.

Mô hình AI khác có thể phân biệt cây cà chua khỏe mạnh với cây bị mất nước, độ chính xác hơn 80%. Trong khi đó, một mô hình có thể cho biết giai đoạn mất nước của cây, tỷ lệ chính xác khoảng 80%.

 Nhà nghiên cứu dùng micro để ghi tiếng động phát ra từ cây. Ảnh: Tel Aviv University.

Nhà nghiên cứu dùng micro để ghi tiếng động phát ra từ cây. Ảnh: Tel Aviv University.

Để tăng độ tin cậy, nhóm nghiên cứu đã ghi thành công "tiếng thét" từ cây cà chua nhiễm virus khảm thuốc lá, bên cạnh hàng loạt cây như lúa mì (Triticum aestivum), ngô (Zea mays) và xương rồng (Mammillaria spinosissima).

Con người không thể nghe âm thanh này nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết nhiều động vật có vú, côn trùng với thính giác tốt có thể nghe và phản ứng với những tiếng động cách 3-5 m. Trong bài nghiên cứu, các micro được đặt cách cây khoảng 10 cm.

Nhóm nghiên cứu cho biết trong tương lai, con người có thể khai thác micro và AI để theo dõi cây trồng, từ đó phát hiện dấu hiệu mất nước hoặc bị bệnh.

"Phát hiện này có thể thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về thế giới thực vật, vốn được xem là gần như im lặng", nhóm tác giả chia sẻ.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-cung-biet-thet-post1417697.html