Cần tính toán hết những khó khăn của doanh nghiệp

Sáng 23/5, trong phiên họp tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn, tính toán hết những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có 'phương thuốc' phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng sức cạnh tranh quốc gia.

“Sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn còn yếu

Phát biểu tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc tổ 11, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La và TP. Đà Nẵng đồng tình cho rằng, GDP quý I/2024 tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây, cho thấy nền kinh tế từng bước phục hồi. Điều này thể hiện những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách đã đi đúng hướng, kịp thời.

Gỡ khó cho doanh nghiệp để đưa nền kinh tế tăng tốc. Ảnh TL

Gỡ khó cho doanh nghiệp để đưa nền kinh tế tăng tốc. Ảnh TL

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn ở một số nội dung, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp.

Một số ĐBQH băn khoăn: Tăng trưởng GDP phục hồi, vậy tại sao số doanh nghiệp rời thị trường vẫn cao hơn số thành lập mới? Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng trung bình 2 năm gần đây, song số doanh nghiệp rút lui tăng cao hơn đã phản ánh thực tế sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn còn yếu.

Theo ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng), báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 7,2% so với năm 2022) và 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn doanh nghiệp), cho thấy nền kinh tế từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Duy Minh cho rằng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, nhận định trong báo cáo của Chính phủ chưa nói hết được những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, tuyển dụng lao động, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn...

Các ĐBQH đề nghị cần đánh giá kỹ tình hình, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, Quyết định số 01/QĐ-TTg, Quyết định số 25/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ..., để từ đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp.

Tăng trưởng có bền vững khi doanh nghiệp còn gặp khó?

ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị, cần phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng về nguyên nhân và sự ảnh hưởng của số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn cả số lượng doanh nghiệp rút lui và ngừng hoạt động. Bởi thực tế, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cần thời gian để tiếp cận và mở rộng, tìm kiếm thị trường cho việc phát triển, trong khi những doanh nghiệp đã có sẵn thị trường nhất định thì lại rút lui và ngừng hoạt động.

ĐB Trần Chí Cường: Lãi suất đã kéo giảm, nhưng việc tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp lại thấp.

ĐB Trần Chí Cường: Lãi suất đã kéo giảm, nhưng việc tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp lại thấp.

Theo ĐB, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Đề án phát triển 1 triệu doanh nghiệp của Việt Nam. Do đó, cần phân tích nhóm doanh nghiệp này tập trung ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào? Nguyên nhân vì sao việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng?

Doanh nghiệp gặp khó, liệu có nguyên nhân từ việc tiếp cận vốn. ĐB Trần Chí Cường bày tỏ băn khoăn khi mặt bằng lãi suất đã kéo giảm, nhưng việc tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp thì lại thấp, trong khi số lượng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) cũng cho rằng, khu vực doanh nghiệp hiện không có tăng trưởng tín dụng. Do đó, đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ, bởi doanh nghiệp là chủ thể quan trọng, nếu khu vực này không phát triển, không tăng trưởng thì có bảo đảm được đột phá trong tăng trưởng không, có bền vững không?

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đại biểu trích dẫn lại đánh giá của Ủy ban Kinh tế khi cho rằng, đây là lần đầu tiên trong 5 năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm lại thấp hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

"Vậy, cần chính sách kích thích hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào, đề nghị cần phân tích đánh giá để những chính sách kịp thời" - đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Chi phí vận tải tăng, tỷ giá biến động bất thường, doanh nghiệp gặp khó

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ: Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-tinh-toan-het-nhung-kho-khan-cua-doanh-nghiep-151410.html