Cần thiết nâng cao, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên đào tạo dược

Sau khi kết thúc khóa tập huấn, các thầy cô sẽ áp dụng được các phương pháp giảng dạy mới vào trong bài giảng để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Dược.

Chiều ngày 16/05/2024, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã diễn ra lễ bế giảng khóa tập huấn bồi dưỡng giảng viên về “Phương pháp giảng dạy ngành Dược trình độ cao đẳng”.

Về phía Câu lạc bộ các trường cao đẳng y dược thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Tiến sĩ Nguyễn Quang Ân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, Ủy viên câu lạc bộ.

Về phía đơn vị đăng cai tổ chức – Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Trần Bá Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cùng 53 thầy cô là học viên tham gia khóa tập huấn.

Báo cáo kết quả của lớp tập huấn tại buổi lễ, Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Nhài – Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho hay, thực hiện công văn số 12 ngày 22/02/2024 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về tổ chức tập huấn và hội thảo câu lạc bộ khối trường cao đẳng y dược và thông báo số 467 ngày 18/3/2024 của Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương về việc tập huấn, bồi dưỡng giảng viên về “Phương pháp giảng dạy ngành Dược trình độ cao đẳng”, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã tổ chức lớp tập huấn trong 3 ngày 14-16/5/2024.

Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Nhài – Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương.

Về đặc điểm tình hình, cô Nhài chia sẻ, lớp tập huấn, bồi dưỡng giảng viên về “Phương pháp giảng dạy ngành Dược trình độ cao đẳng”, được tổ chức ngắn ngày; các học viên đến từ các trường cao đẳng y dược tại nhiều địa phương trên cả nước nên mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau trong giảng dạy, đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng.

Thuận lợi của lớp tập huấn cho thấy, hầu hết các học viên đều nhiệt tình, tâm huyết với việc học tập cũng như cởi mở chia sẻ về kinh nghiệm về công tác đào tạo Dược; các giảng viên hướng dẫn lớp có trình độ cao, phương pháp tiếp cận phù hợp; sự chủ động, chi tiết của công tác chuẩn bị và sự cố gắng của đơn vị đăng cai tổ chức, đào tạo đã tạo điều kiện tốt nhất để cho các thầy cô và các đơn vị tập trung về trường tham gia lớp học; có sự gắn kết giữa các thầy cô đào tạo ngành Dược của các trường cao đẳng y dược trên cả nước.

Tuy nhiên, do chênh lệch về độ tuổi, kinh nghiệm nghề nghiệp của các học viên trong lớp là khá lớn khi nhiều học viên có kinh nghiệm, thâm niên trong giảng dạy ngành Dược nhưng cũng có một số học viên mới vào nghề cần phải vào học hỏi, bổ sung thêm về vấn đề sư phạm; địa điểm tập huấn chưa được thuận lợi, có nhiều học viên ở các trường phải di chuyển xa để về dự tập huấn như Sơn La, Kiên Giang, An Giang, Huế,… nên công tác giảng dạy của lớp tập huấn vẫn còn gặp phải một số những khó khăn.

Quang cảnh Lễ bế giảng khóa tập huấn bồi dưỡng giảng viên về "Phương pháp giảng dạy ngành Dược trình độ cao đẳng".

Sau khi kết thúc khóa tập huấn, ban tổ chức đã gửi phiếu khảo sát, đánh giá về khóa học, kết quả cho thấy, 100% các học viên đều đồng ý đến hoàn toàn đồng ý cho rằng nội dung của khóa học có nhiều thông tin hữu ích, giúp cho học viên áp dụng được vào thực tiễn, các hoạt động của khóa học được tổ chức hợp lý, công tác tổ chức nhiệt tình, chu đáo; các báo cáo viên chuẩn bị tốt; giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung và đối tượng học viên; tài liệu giảng dạy được sử dụng rõ ràng, khoa học, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu khóa học.

Riêng khảo sát về thời lượng của khóa học phù hợp với nội dung cần học tập cũng như nội dung của khóa học có đáp ứng với nhu cầu của học viên hay không, vẫn có ý kiến không đồng ý vì cho rằng thời gian đào tạo khóa học cần dài hơn và nội dung khóa học cần trải nghiệm các bài giảng mẫu nhiều hơn.

Ngoài ra, có khoảng trên 50% thầy cô cũng đề nghị Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cần tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo.

Vậy nên, cô Nhài cũng như nhà trường hi vọng rằng, sau khi kết thúc khóa tập huấn bồi dưỡng, trở về với đơn vị công tác, các thầy cô sẽ có sự thay đổi về tư duy, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới vào trong bài giảng cũng như tham mưu cho lãnh đạo để làm sao nâng cao chất lượng đào tạo ngành Dược mạnh mẽ hơn nữa.

Phát biểu bế mạc khóa tập huấn bồi dưỡng giảng viên về “Phương pháp giảng dạy ngành Dược trình độ cao đẳng”, Tiến sĩ Trần Bá Kiên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương bày tỏ, qua khóa tập huấn này, nhìn thấy được kết quả đầu ra đáng khích lệ trong việc đổi mới và nâng cao phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực Dược, nhà trường luôn hi vọng và sẵn sàng là cầu nối để giúp các trường cùng học tập, trao đổi với các trường đào tạo dược trên cả nước và trong khu vực.

Tiến sĩ Trần Bá Kiên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương phát biểu tại lớp tập huấn.

Qua lớp tập huấn này, nhà trường cũng học hỏi được nhiều từ các thầy cô trong cách thức, phương pháp cũng như thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai việc đào tạo lĩnh vực Dược.

Thầy Kiên cũng mong rằng, các trường cao đẳng y dược ở khắp mọi miền tổ quốc đào tạo nhân lực y tế nói chung và lĩnh vực Dược nói riêng cần cùng nhau xây dựng, thống nhất và đổi mới để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực dược; tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích dành cho các giảng viên đào tạo ngành Dược để có nguồn nhân lực dược chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của xã hội hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng y dược cũng bày tỏ niềm vui vì rất lâu rồi giảng viên dạy Dược chưa được tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nào.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-thiet-nang-cao-doi-moi-phuong-phap-giang-day-cho-giang-vien-dao-tao-duoc-post242797.gd