Cần sách lược mới trước một kỷ nguyên tiến bộ vượt trội

25 năm tới sẽ là một chặng đường khó khăn hơn 25 năm qua. Các nền kinh tế đang phát triển cần một kế hoạch mới, giúp tăng cường năng lực tự bảo vệ và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ở bất cứ nơi nào. Với các chính sách phù hợp, một số thách thức có thể biến thành cơ hội. Với các mối liên kết thương mại chặt chẽ hơn với nhau, các nền kinh tế đang phát triển có thể gặt hái được những tiến bộ đáng kể thông qua việc tăng cường cải cách để thu hút đầu tư và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư. Những nền kinh tế này cũng có thể đẩy nhanh tăng trưởng bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn nhân lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khí hậu.

 Hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong kết quả tăng trưởng. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong kết quả tăng trưởng. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Đây là nhận định được ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB); và ông M. Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng, Kinh tế phát triển của WB đưa ra trong một bài viết vừa được công bố.

Tăng trưởng đang chậm lại

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của WB, triển vọng tăng trưởng dài hạn đối với các nền kinh tế đang phát triển hiện đang yếu nhất kể từ đầu thế kỷ này. Nếu không có sự cải thiện bền vững về tốc độ tăng trưởng, chỉ 6 trong số 26 quốc gia thu nhập thấp hiện nay có khả năng đạt được vị thế thu nhập trung bình vào năm 2050. Đến năm 2030, 622 triệu người sẽ vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.

Các nền kinh tế đang phát triển hiện đang phần lớn tụt hậu xa hơn; cùng với đó là những cơn gió ngược dữ dội, bao gồm đầu tư và tăng trưởng năng suất yếu, dân số già hóa ở hầu hết các quốc gia trừ các quốc gia nghèo nhất, căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, và những nguy cơ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Những nền kinh tế này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thế kỷ 21. Ban đầu, tăng trưởng được báo cáo đạt tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1970. Các nền kinh tế đang phát triển cũng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế thế giới. Ngày nay, họ chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng từ mức chỉ 25% vào năm 2000.

Hầu hết những tiến bộ này diễn ra trong những năm đầu trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Sau đó, sự tiến bộ bắt đầu chậm lại. Tăng trưởng kinh tế nói chung đã trải qua một loạt các đợt sụt giảm, từ 5,9% trong những năm 2000 xuống 5,1% trong những năm 2010, và 3,5% trong những năm 2020. Kể từ năm 2014, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển đã tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức trung bình ở các nền kinh tế giàu có, làm mở rộng khoảng cách giàu nghèo.

Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế toàn cầu cũng chững lại; tính theo tỷ lệ GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển hiện nay chỉ bằng 1/2 mức của những năm 2000. Các hạn chế thương mại quốc tế mới trong năm 2024 đã cao gấp 5 lần mức trung bình giai đoạn 2010 - 2019.

Tác động lớn nhất được ghi nhận ở các nền kinh tế thu nhập thấp, nơi có hơn 40% người dân đang vật lộn với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày. Những nền kinh tế này là trọng tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, tiến trình đã gần như dừng lại trong bối cảnh xung đột gia tăng, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên và tăng trưởng yếu liên tục. Vào đầu thế kỷ XXI, 63 quốc gia được phân loại là “thu nhập thấp”. Kể từ đó, 39 quốc gia (bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh) đã trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình, nghĩa là thu nhập bình quân đầu người hàng năm của họ đã vượt trên 1.145 USD vào năm 2023.

Để thách thức trở thành cơ hội

Những thăng trầm kể trên đã nhấn mạnh những gì mà các nền kinh tế đang phát triển đã làm được, cũng như chưa làm được; qua đó làm sáng tỏ những gì họ có thể thực hiện trong những năm tới, nhằm lập biểu đồ tiến trình riêng cho mỗi nền kinh tế.

Điều đáng lưu ý là các nền kinh tế này hiện có ảnh hưởng lớn hơn đến kết quả tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển khác. Hiện nay, các nền kinh tế này đang mở rộng hoạt động thương mại với nhau; trong đó, hơn 40% hàng hóa do các nền kinh tế đang phát triển này xuất khẩu sang các nền kinh tế đang phát triển khác, gấp đôi tỷ lệ được ghi nhận hồi năm 2000. Đồng thời cũng là nguồn vốn, kiều hối và hỗ trợ phát triển ngày càng quan trọng chảy vào các nền kinh tế đang phát triển khác.

“Phân tích của chúng tôi chỉ ra, mức tăng trưởng GDP 1% ở 3 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ thúc đẩy GDP ở các nền kinh tế đang phát triển khác tăng gần 2% sau 3 năm”, ông Indermit Gill và ông M. Ayhan Kose lưu ý.

Nhìn chung, phúc lợi của các nền kinh tế đang phát triển vẫn gắn chặt với tăng trưởng ở 3 nền kinh tế tiên tiến lớn nhất. Tuy nhiên, sự phụ thuộc đã nhỏ hơn so với đầu thế kỷ, và điều đó chỉ ra cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển.

Lê Thảo(Lược dịch từ World Bank)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/can-sach-luoc-moi-truoc-mot-ky-nguyen-tien-bo-vuot-troi-150620.html