Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp

Để bảo đảm tính đồng bộ, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, góp ý sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc áp thuế với phân bón và vật tư nông nghiệp…

Theo chương trình dự kiến Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số Dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, trong đó có Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến xem xét đề nghị bổ sung một số Dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 tại Phiên họp thứ 28 tới đây, trong đó có Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) - Ảnh minh họa: ITN

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi đạo Luật này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Nhất là khi, áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sang đối tượng không chịu thuế đã khiến ngành này phát sinh nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài, phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Nhiều ý kiến đề xuất, cần đưa phân bón vào diện đối tượng chịu thuế VAT 5% trong Dự án Luật (sửa đổi) tới đây - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc này không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt thòi, mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Vì vậy, nên áp thuế VAT 5% với phân bón.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều loại nhưng thị phần trị giá lớn nhất vẫn là các mặt hàng là phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi.

Từ năm 2008 trở về trước các mặt hàng này thuộc diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, đồng thời thuế VAT của nguyên liệu, vật tư đầu vào được khấu trừ toàn bộ. Tuy nhiên, tại lần xem xét sửa đổi các Luật về thuế (năm 2014), các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất phân bón, cơ khí nêu ra rất nhiều khó khăn và các Hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng này đã có đề xuất rất gay gắt, quyết liệt là đưa vào diện chịu thuế suất 0%.

“Sau 8 năm thực hiện, quy định không chịu thuế đã gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất vì chúng ta đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này và áp thuế VAT thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi”, ông Phụng chia sẻ.

Cũng theo ông Phụng, nền kinh tế của Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường nên giá bán do doanh nghiệp và người mua đồng thuận, khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón và máy nông nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào buộc phải cộng vào giá thành, nên sẽ tăng giá bán cho người nông dân, như vậy người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt và không đảm bảo được mục tiêu của chính sách là hỗ trợ cho người nông dân.

Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên sửa đổi thuế VAT đối với phân bón theo hướng quay trở lại như năm 2008 trở về trước. Tức là đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.

Đồng thời cho rằng, quy định này không chỉ sửa đổi đối với phân bón mà nên áp dụng đối với cả máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp.

“Việc đưa vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030”, ông Phụng bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, phân bón là một trong những vật tư quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón, và vẫn phải nhập khẩu các loại phân bón chưa tự sản xuất được, vì vậy, những chính sách về thuế về vật tư nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến phân bón rất quan trọng. Chính sách thuế đưa ra cần có sự điều tiết hài hòa, để tất cả các thành phần tham gia đều có lợi ích chung, bền vững, duy trì được sự ổn định.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/can-nhac-viec-ap-thue-vat-5-voi-phan-bon-va-vat-tu-nong-nghiep-701601.html