Cân nhắc, làm rõ một số quy định về cảnh vệ trước khi trình ra Quốc hội

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới đây (diễn ra vào tháng 5/2024), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Để chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ cho dự án luật này, tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (phiên họp thường kỳ tháng 2/2024), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Qua 5 năm tổng kết thực thi Luật Cảnh vệ hiện hành cho thấy nhiều nội dung cần phải có sửa đổi. Theo đó, lần sửa đổi này một mặt chủ động để bổ sung một số các nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành Luật. Do đó, cần thiết phải có sửa đổi Luật này.

Qua nghiên cứu hồ sơ của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận công tác chuẩn bị dự án luật công phu. Hồ sơ dự án luật bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung cơ bản cũng đã thể chế hóa các đường lối, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân nói chung và lực lượng cảnh vệ cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với chất lượng chuẩn bị như hiện nay, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp thu tối đa từ sớm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để hoàn thiện hồ sơ dự án luật và có giải trình một cách thấu đáo, bảo đảm chất lượng dự án luật, đạt được sự đồng thuận cao.

Đối với các nội dung cụ thể về những đối tượng cảnh vệ chưa có quy định trong luật thì Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung là những trường hợp phát sinh đã tương đối ổn định, lâu dài và quy định thêm để thực hiện; trong trường hợp đặc biệt, đột xuất nhưng chưa được quy định trong luật và cũng chưa trình được Quốc hội để bổ sung thì ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết trước thực tiễn linh động, phong phú; song, cần có thuyết minh, giải trình kỹ hơn về trường hợp cần thiết.

Về quy định giao Bộ Công an quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có ý kiến đề cập nên chăng tách thành 2 trường hợp. Một là những biện pháp cảnh vệ nào áp dụng chính thức, công khai thì quy định ngay trong luật này; còn những trường hợp khác chi tiết hơn, cụ thể, nghiệp vụ hơn thì Bộ trưởng Công an quy định hoặc các biện pháp cảnh bệ có thể có những quy định khung, trên cơ sở đó Bộ Công an hướng dẫn, nhất là những nội dung liên quan đến kỹ thuật, nghiệp vụ, bí mật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu cân nhắc thêm.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (phiên họp thường kỳ tháng 2/2024).

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý làm rõ mục tiêu thiết kế chính sách, có tổ chức lực lượng cảnh vệ tại địa phương không, hay chỉ là tham gia công tác cảnh vệ? Còn cơ cấu tổ chức, biên chế bộ máy thì vẫn như hiện nay, tăng cường nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

Về nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định cho rõ hơn để phân biệt phạm vi với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để tránh chồng chéo, trùng lặp.

Liên quan đến cảnh vệ trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thuyết minh kỹ lưỡng hơn khi trình Quốc hội như quy định về mặt bảo vệ cụ thể và trong trường hợp phải tăng cường lực lượng, thuê xe, bảo vệ, phối hợp với các lực lượng để chủ động áp dụng những biện pháp cảnh vệ trong một số trường hợp; đồng thời cân nhắc quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hay giao cho lực lượng cảnh vệ quyết định thì phải quy định rõ.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh lý dự án luật theo đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, sẽ có giải trình hợp lý, tường minh, dễ hiểu và thuyết phục hơn.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, các biện pháp cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao; trong khi đó các quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ là các quy định về cách thức, quy trình để thực hiện công tác cảnh vệ, những nội dung này mang tính nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật nhà nước, do đó nội dung này giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết là phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện; cụ thể: xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-nhac-lam-ro-mot-so-quy-dinh-ve-canh-ve-truoc-khi-trinh-ra-quoc-hoi-post285486.html