Căn hầm dưới mái tranh nghèo – truyện ngắn của HỮU VINH

Tôi lặng lẽ thắp nén nhang trước bàn thờ của má, khẩn cầu má tha thứ lỗi cho tôi, dù với bất cứ lý do gì đi nữa tôi vẫn là người có lỗi, bởi vì tôi đã để cho má phải chờ, Lê Thu phải đợi. Và nếu em không tìm đến nơi “ở ẩn” của tôi tại cao nguyên Vân Hòa (căn cứ cách mạng chiến khu xưa) thì sao tôi hiểu được hết lòng em. Bây giờ trong những ngày giáp Tết tôi đứng đây, trong ngôi nhà nhỏ bé này. Má không còn nữa. Lê Thu, người con gái đã chờ tôi suốt 30 năm qua giờ cũng đã là người đàn bà độc thân ở tuổi gần năm mươi. Lòng tôi quặn thắt, tôi không ngăn được nước mắt, giọt nước mắt của người đàn ông vụng về đã ngoài 50 tuổi. Tôi khóc cho tôi và khóc cho cả nàng.

Tôi còn hiện hữu sau chiến tranh. Ngày 30/4/1975, tôi công tác ở một đơn vị vũ trang thuộc Ban An ninh tỉnh Phú Yên cũng có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng TX Tuy Hòa. Tôi tưởng chừng như khụy xuống khi đoàn xe lướt qua căn nhà ngoại ô ấy, nhưng sau đó tôi đã không về thăm lại. Tôi muốn âm thầm lặng lẽ ra đi để má và Thu tưởng rằng tôi đã hy sinh trong chiến đấu. Ngày ấy, đêm 30 Tết Mậu Thân, sau một trận đánh ác liệt tại vùng ven TX Tuy Hòa, tôi bị thương và lạc đơn vị. Khi tỉnh lại thấy mình đã nằm trong một căn hầm bí mật, khắp mình được băng bó. Người cứu tôi khỏi cái chết trong đường tơ kẻ tóc và vượt qua tai mắt của giặc, chính là má Bảy và cô con gái của má là Thu. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày mùng năm Tết, tức sau năm ngày tôi nằm dưới hầm nhà má, bọn lính chi khu ập vào khám xét, đào bới khắp nhà. Không tìm được dấu vết gì, chúng đánh đập và bắt má đi. Tôi toan tung nắp hầm nhào lên sống chết với bọn địch, để má khỏi bị tù đày tra khảo. Nhưng hai tay tôi vừa đụng vào nắp hầm thì nghe tiếng má vọng xuống.

- Không được nghe con, con phải biết nghe lời má...

Má nói với Thu và cũng để ngăn chặn sự manh động bất lợi của tôi. Lòng tôi xót xa và biết ơn mẹ của Thu, người đã sinh ra tôi lần thứ hai trong đời. Má bị chúng bắt đi giam ở nhà lao khu chiến, rồi chuyển về khám lớn Chí Hòa. Còn lại một mình Thu vừa lo nuôi má ở nhà lao, vừa lo nuôi tôi và chăm sóc vết thương cho tôi. Sau gần hai tháng, tôi bình phục hoàn toàn và địch phải trả tự do cho má vì vô cớ, vô bằng. Tôi bày tỏ lòng biết ơn má và Thu rồi xin phép tìm về đơn vị, má đồng ý. Đêm ấy, dòng sông Ba mênh mông dưới ánh trăng hạ tuần mờ ảo, con thuyền lặng lẽ trôi đi, bóng má Bảy im lặng và in dài xuống mặt sông cho mãi tới khi con thuyền khuất bóng.

Bìm bịp kêu gọi con nước lớn. Thuyền trôi vun vút nhưng lòng tôi như trở ngược về với căn hầm dưới mái tranh nghèo, có người mẹ, người em gái vùng ven đã nuôi nấng, che chở tôi suốt mấy tháng trời. Lòng tôi nặng trĩu sầu tư. Tôi và Thu tuy chẳng lời hẹn ước, song tiếng nói của con tim đã cho tôi hiểu rằng: Hai chúng tôi không thể nào quên nhau được.

Con thuyền đã đến vùng giáp ranh, pháo địch từ căn cứ Núi Tranh vẫn bắn cầm canh, những trái hỏa châu vượt lên tỏa sáng, soi rõ khuôn mặt em với đôi mắt đẫm lệ. Tôi như nghẹt thở không nói lên lời. Phút chia tay đã đến. Tôi về đơn vị để tiếp tục những cuộc hành quân, những trận đánh. Em trở về sống giữa vòng vây thép gai và chờ đợi. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, một sức mạnh vô hình nào đã đẩy chúng tôi lại gần nhau. Em ôm chầm lấy tôi, chúng tôi ghì chặt lấy nhau như sợ vuột mất khỏi cuộc đời nhau, nước mắt em chảy tràn mặt tôi, đầm đìa, ấm nóng.

Là chiến sĩ an ninh trong thời chiến, tôi lại trải qua bao chiến dịch, bao trận đánh cùng những cơn mưa chất độc hóa học của Mỹ hủy diệt những cánh rừng ven đường số 7, hai bên bờ sông. Những cánh rừng mênh mông suốt dọc đôi bờ sông... và tôi cũng như một số người lính khác, đã nhiễm phải chất độc màu da cam ấy. Sau giải phóng, tôi nộp đơn xin phục viên để trở về miền quê xa xôi. Tôi muốn kỷ niệm xưa sẽ được phủ lên bằng lớp bụi thời gian. Nhưng nguyện vọng không được lãnh đạo ban an ninh giải quyết. Sau đó tôi được điều về công tác tại Trại cải tạo A30. Khi chia tách tỉnh Phú Khánh; Phú Yên được tái lập, tôi thật sự cởi áo lính để xin nghỉ mất sức hưởng chế độ một lần, trở về cuộc sống đời thường với ruộng vườn nương rẫy. Năm tháng cứ lặng lẽ trôi, tôi vẫn sống độc thân. Trong lòng luôn mong muốn và hy vọng rằng người ấy nay đã yên phận. Song trời đâu có chiều lòng người. Một chiều gần giáp Tết, tôi đi làm về, vừa đặt chân tới cổng đã thấy trước hiên nhà tôi năm sáu người hàng xóm và một người khách lạ. Một chị cất giọng:

- Ông Tám Đức ơi! Có khách Tuy Hòa đến thăm kìa!

Khi bước vào mí sân nhà mình, thì một linh cảm về người xưa đã hiện trong tôi. Kìa, đôi mắt người đàn bà ấy đang nhìn về phía tôi - đôi mắt mà trong suốt cuộc đời tôi không thể nào quên được. Người đàn bà ấy chính là Thu, Lê Thu cũng đã nhận ra tôi. Ôi! Vẫn đôi mắt đẫm lệ chia tay đêm Tuy Hòa bên dòng sông Ba ấy... Tôi không biết mình đang vui hay buồn? Bởi cuộc hội ngộ này cũng đồng nghĩa với sự nổi sóng trở lại trong mỗi cuộc đời chúng tôi. Tôi cười như mếu, đón em vào nhà. Qua trò chuyện, tôi biết được má Bảy đã mất cách đây 3 năm. Một mình Thu sống giữa căn nhà cũ, Thu kể lại rằng, sau giải phóng không thấy tôi quay trở lại, không biết tôi còn sống hay đã hy sinh? Đất trời thì quá rộng biết đâu mà tìm kiếm.

Đầu năm 1980, Thu dò hỏi biết được nơi tôi công tác tìm đến tận nơi, nhưng tôi đã lên đường đi học ở Hà Nội. Cho mãi tới cuối năm 1989, Thu mới biết tin tôi đã phục viên. Nhưng má Bảy đau ốm hoài, Thu không dám rời nửa bước, đành chỉ biết nuôi má và chờ đợi... Rồi má mất. Thu lại phải chờ hết 3 năm giữ tròn chữ hiếu với má. Ôi tấm lòng em! Tôi vừa thương vừa trọng. Cúng má xong, Thu chuẩn bị hành trang, đi tìm tôi. Không biết cách nào em đã tìm ra cái chốn rừng núi xa xôi hẻo lánh này. Trời tối, ở miền núi này chỉ có ngọn đèn dầu - ngọn đèn vừa đủ soi tỏ khuôn mặt em. Lòng tôi như dao cắt.

- Anh vẫn giỏi và khéo tay như xưa. Căn nhà nhỏ của anh thật gọn gàng, ngăn nắp... Thu khen tôi.

Tôi cười khỏa lấp.

Tôi thu xếp công việc ruộng vườn, lên đường đi Tuy Hòa vào những ngày giáp Tết. 30 năm kể từ Tết Mậu Thân, tôi trở lại căn nhà xưa. Má Bảy đã không còn nữa. Chỉ có tôi và Thu trong căn nhà này. Và bây giờ dẫu đã quá chậm, nhưng tôi không nghĩ là quá muộn. Có lẽ số mệnh đã an bài như thế.

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/239370/can-ham-duoi-mai-tranh-ngheo-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-huu-vinh.html