Các nước ASEAN chung tay xử lý 'tin giả'

Làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn, xử lý tin giả; Vai trò của báo chí tham gia xử lý tin giả, tin sai sự thật; Các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả…, là những vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay (19/9).

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23/9 tại thành phố Đà Nẵng.

Diễn đàn khu vực ASEAN về Ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng

50 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý về thông tin điện tử, cơ quan báo chí của các nước ASEAN, đại diện một số nền tảng xuyên biên giới (Google, Tiktok) và đại diện Ban Thư ký ASEAN tham dự Diễn đàn. Các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những nỗ lực của các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả, tin sai; Khuyến nghị các biện pháp cho tương lai; Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và cơ quan báo chí truyền thông; Các chính sách thúc đẩy hiểu biết số và chính sách truyền thông từ một số quốc gia ASEAN cũng như chính sách của các nền tảng trong xử lý tin giả, tin sai và hướng dẫn an toàn khi tham gia trực tuyến.

Ông Izzad Zanman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin, Ban Thư ký ASEAN nêu thực tế hiện nay có nhiều định nghĩa về tin giả khác nhau giữa các quốc gia nhưng có thể hiểu chung tin giả là những thông tin sai lệch được người dùng mạng xã hội để lan truyền. Khác với thông tin chính thống, tin giả chỉ để thỏa mãn tính giải trí của độc giả và ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia. Đến nay, tin giả vẫn là vấn đề lớn đối với các quốc gia và cần sự hợp tác nhiều hơn nữa, không chỉ là giữa các Chính phủ với nhau mà còn cần mở rộng với sự tham gia của cả cộng đồng.

Ông Izzad Zanman - Cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin Ban Thư ký ASEAN phát biểu tại Diễn đàn

Ông Izzad Zanman cho rằng: “Vấn đề quan trọng là các thành viên ASEAN cần làm rõ khung hướng dẫn quản lý thông tin chính phủ, ứng phó xử lý thông tin sai, từ đó có những bước tiến, trao quyền cho những đối tác truyền thông liên quan để vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng cũng đảm bảo tính chính xách, minh bạch, chính thống”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn

Tin giả đang là vấn nạn toàn cầu với khả năng gây thiệt hại to lớn. Thực tế có những loại tin giả làm ảnh hưởng đến tính đoàn kết quốc gia.

“Với Malaysia, thông qua quan hệ đối tác công tư, chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp cộng đồng để ngăn chặn tin giả càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó là các sáng kiến về cổng thông tin điện tử như trung tâm một cửa toàn quốc để người dân kiểm tra thông tin với nhiều lĩnh vực khác nhau, nâng cao trách nhiệm chia sẻ thông tin, khuyến khích người dùng tự điều chỉnh hành vi”- Bà Tunku Latifah Binti Tunku Ahmad, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Malaysia cho hay.

Các đại biểu tham gia thảo luận

Từ năm 2017 đến nay, các nước ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của thông tin sai lệch và tin giả. Trong đó, nhiều chương trình và hội thảo chia sẻ các chính sách quản lý đã góp phần nâng cao sự hiểu biết về công nghệ số cho người dân cũng như thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử. Bước tiến vượt bậc là Tuyên bố chung về giảm thiểu các tác hại của tin giả được thông qua vào năm 2018 tại Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14. Nhận thức về tầm quan trọng của việc hành động đoàn kết trước tin giả, Hội nghị lần thứ 19 của các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thông tin vào năm 2022 đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả. Những khuôn khổ và cơ chế của ASEAN đã tạo nền tảng cho các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này trong khu vực.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Tuy nhiên, dù đã thực hiện nhiều công việc về xử lý tin giả nhưng các hoạt động chủ yếu tập trung vào chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý. Đã đến lúc các nước ASEAN đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực…

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí chính thống có trách nhiệm và sứ mệnh rất lớn trong vấn đề này.

“Ngay lúc này, khi mà thật- giả lẫn lộn trên không gian mạng như hiện nay và những phương thức truyền thông mới cạnh tranh với phương thức truyền thông truyền thống của báo chí, chúng ta phải vượt qua được thử thách này, để tự cứu lấy mình, khẳng định vai trò của mình. Không có cách nào khác bằng cách là thể hiện sự hữu ích đối với công chúng, đem lại những tri thức, những nhận biết mà công chúng cần phải có để mỗi người tự bảo vệ mình. Đồng thời, lan tỏa những cách làm tốt, những quyết tâm chống lại cái sai, xử lý những vấn đề còn bất cập hiện nay trên không gian mạng”- ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cac-nuoc-asean-chung-tay-xu-ly-tin-gia-post1046947.vov