Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong việc phòng, chống rửa tiền được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Minh ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hỏi: Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong việc phòng, chống rửa tiền được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền. Cụ thể như sau:

1. Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.

2. Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.

4. Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.

5. Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo.

6. Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo.

7. Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này.

8. Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

*Bạn đọc Trần Văn Thành ở xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết vụ việc được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 24 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

1. Khi được phân công giải quyết vụ việc, trưởng công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc;

b) Khi có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

2. Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến.

3. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cac-dau-hieu-dang-ngo-co-ban-trong-viec-phong-chong-rua-tien-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-777992