Bức tranh đẹp của kinh tế năm 2024
Càng về cuối năm, bức tranh kinh tế năm 2024 càng có thêm những mảng màu sáng, hứa hẹn một năm với nhiều thành công, tạo đà cho kinh tế năm 2025.
Những mảng màu sáng
Bức tranh kinh tế năm 2024 càng về cuối năm, càng có thêm nhiều tin vui. “Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024.
Những mảng màu sáng đó, có thể nói, được đo bằng rất nhiều chỉ số như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài… Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đang ngày càng tiến gần hơn tới cột mốc lịch sử 400 tỷ USD.
Ngân hàng UOB mới đây dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%, vượt mốc 400 tỷ USD trong năm nay. Con số của 11 tháng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, là 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức là, chỉ cần trong tháng 12/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, cột mốc 400 tỷ USD sẽ đạt được. Khả năng này là rất lớn, bởi kim ngạch xuất khẩu theo tháng của Việt Nam thời gian gần đây luôn đạt mức cao. Tháng 11/2024, dù đã giảm 5,3% so với tháng trước, nhưng vẫn đạt 33,73 tỷ USD. Chỉ cần duy trì được con số này, kim ngạch xuất khẩu của cả năm đã vượt 400 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp cũng tương tự, khi mà 11 tháng, Chỉ số Sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, bật lên mạnh mẽ so với mức tăng 0,9% của cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng IIP cao, đạt 9,7% (trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tốc độ tăng của ngành này trong tháng 11/2024 còn lên tới 11,2%. Tốc độ tăng 2 con số này cho thấy sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
“Sản xuất công nghiệp tháng 11/2024 tăng tích cực là do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm”, Tổng cục Thống kê lý giải.
Cùng với xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt 21,68 tỷ USD, tương ứng tăng 1% và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều quan trọng, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong thời gian qua.
Sự kiện Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt Chính phủ Việt Nam, ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn NVIDIA của tỷ phú Jensen Huang về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA tại Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam là một ví dụ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự kiện này mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam. “Thỏa thuận không chỉ là bước đi chiến lược và hướng phát triển mới của NVIDIA, mà còn là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, tạo đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Thông tin này cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024, tổ chức sau lễ ký kết với Tập đoàn NVIDIA 2 ngày.
Cuộc đua về đích
Dù kinh tế 11 tháng vẫn đang tiếp tục xu hướng tích cực, nhưng cuộc đua về đích kế hoạch 2024 không phải là hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục chỉ ra những thách thức, khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Chẳng hạn, sức mua trong nước vẫn chậm phục hồi, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường xuất khẩu cũng còn những rủi ro…
Những nhận định này cũng tương đồng với các dự báo của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế Việt Nam. Dù đánh giá cao khả năng tăng tốc của thương mại hàng hóa của Việt Nam, song các chuyên gia của ngân hàng UOB cũng bày tỏ lo lắng rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong năm 2025.
Theo UOB, việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới có thể khiến xuất hiện các căng thẳng và rủi ro thương mại toàn cầu. “Căng thẳng thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục gia tăng, sức mạnh USD đi kèm là những mối lo ngại đáng chú ý”, UOB nhận định.
Trong khi đó, theo báo cáo được S&P công bố mới đây, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 11/2025 chỉ đạt 50,8%. Con số này dù vẫn nằm trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh vẫn đang tiếp tục được cải thiện, nhất là sau cơn bão Yagi, nhưng lại thấp hơn con số 51,2 điểm của tháng 10. Điều này cho thấy, sức khỏe ngành sản xuất “chỉ mạnh lên ở mức khiêm tốn”.
Bình luận về con số này, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, có “một chút thất vọng” khi tốc độ tăng sản lượng và các đơn đặt hàng mới chững lại, thay vì tiếp tục lấy được động lực sau sự gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra vào tháng 9.
“Ở một mức độ nào đó, tăng trưởng chậm lại phản ánh sự suy yếu của nhu cầu quốc tế, khi xuất khẩu giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 7/2023”, ông Andrew Harker nói và bày tỏ hy vọng rằng, những tháng tới, nhu cầu sẽ mạnh lên, từ đó giúp các công ty tự tin tăng công suất.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng là điểm đáng chú ý. Theo số liệu của Bộ Tài chính, 11 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 411.000 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 65,1% của cùng kỳ năm trước.
“Khối lượng công việc tháng cuối năm rất lớn, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ phát sinh; khai thác hiệu quả xu hướng sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 7% và trên 7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7% và cao hơn 7%, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế 2025.
Bước chuẩn bị cho năm 2025
Không chỉ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024, một nội dung quan trọng cũng được đề cập, đó là Dự thảo các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế 2025, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Nhiệm vụ là rất nặng nề, bởi Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ đạt 8%, cao hơn so với mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị là tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%.
Mục tiêu này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đây là một mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với khó khăn, thậm chí thách thức còn nhiều hơn cơ hội trong năm 2025.
Sẽ còn nhiều điều phải tiếp tục thảo luận để có thể hoàn thiện dự thảo 2 nghị quyết nói trên, để Chính phủ có thể chính thức ban hành vào đầu năm tới. Song rõ ràng, chỉ có tập trung cao độ để nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thì nền kinh tế mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 8% như kỳ vọng. Tất cả các động lực phát triển, nhất là các địa phương như Hà Nội và TP.HCM sẽ phải đặt ra mục tiêu và quyết tâm cao hơn, nhằm đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong năm 2025.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buc-tranh-dep-cua-kinh-te-nam-2024-d231918.html