'Bóng hồng' làm du lịch

Tự mình lập nên những hành trình hấp dẫn để đón du khách về khám quá quê hương, những phụ nữ vùng cao đã và đang khẳng định vị thế, khả năng của mình trong hành trình lập nghiệp.

Xếp từng viên đá làm đường lên núi

Những ngày đông, xã Sử Pán (Sa Pa) luôn chìm trong sương giá. Lần theo hàng rào đá bao quanh con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi, chúng tôi tìm đến Mảo Lềnh homestay. Bên chiếc chậu sưởi đỏ rực than, hai chị em Châu Thị Mảo, Châu Thị Sâu đem những chiếc váy áo ra thêu, chuẩn bị cho Tết đang đến gần. Từ ngày “dời đô” sang Sử Pán lập nghiệp, có lẽ năm nay Mảo và gia đình đón một cái Tết no ấm nhất.

Mảo là phụ nữ Mông tháo vát. Do gia đình khó khăn nên từ nhỏ cô không được đi học, hằng ngày đem đồ lưu niệm ra thị trấn bán từ sáng đến đêm, bám theo hết đoàn khách này đến đoàn khách khác. Tuổi thơ là những ngày nay ngủ chợ, mai ngủ dọc đường khiến Mảo cứng cỏi và xông xáo. Tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài nên Mảo có chút vốn giao tiếp bằng tiếng Anh. Lớn lên, thấy việc bán hàng vất vả, lại làm mất hình ảnh đẹp về du lịch quê hương nên Mảo chuyển sang theo đoàn hướng dẫn khách. Công việc mới có thu nhập ổn định hơn nhưng “phận má hồng” nay đây mai đó khiến Mảo nuôi ý định tích lũy vốn để mở homestay, tự mình làm chủ. Lần đầu, cô mở một homestay nhỏ ở Thào Hồng Dến (xã Hầu Thào), tuy nhiên không được như mong đợi, khách thường “một đi không trở lại”.

Châu Thị Mảo, Châu Thị Sâu chuẩn bị phòng đón khách.

Mảo đon đả rót chén nước ấm mời chúng tôi rồi tâm sự: “Hồi mình ở Thào Hồng Dến, khách đến 1 hoặc 2 ngày rồi đòi chuyển đi. Homestay ở quá gần nhà dân, buổi sáng người dân thức dậy đi làm sớm rất ồn ào, khách có ít thời gian nghỉ ngơi nên họ khó chịu với việc đó”. Mảo và gia đình quyết định chọn mảnh đất ở chót vót trên núi của thôn Hòa Sử Pán (xã Sử Pán) để bắt đầu lại công việc. 2 năm liền, vợ chồng cô cùng nhau chở từng viên đá xếp thành hàng rào dẫn lối lên homestay, tự tay xẻ gỗ làm nhà, rồi lại cố gắng kết nối lại với những du khách đã từng quay lưng đi. Giờ đây, Mảo đã có một ngôi nhà dành cho du khách đúng ý mình mong muốn.

Homestay cao nhất thôn với không gian yên tĩnh, góc nhìn rộng, không khí trong lành và cảnh đẹp ngút ngàn. Mảo bảo, cô làm du lịch từ kinh nghiệm của bản thân chứ chưa từng được ai dạy hay học qua lớp tập huấn nào. Ở đây, từ những chiếc váy, áo hoặc chiếc túi treo trong nhà đều do cô và em gái thêu. Cả gia đình làm du lịch, chồng cô thì đón khách, còn cô và em gái hướng dẫn khách. Thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn bởi homestay có khách đến đều…

Giới thiệu quê hương bắt đầu từ vườn quế

Cô gái thế hệ “9X” - Nguyễn Thị Huệ là người khởi xướng việc đưa danh tiếng quê hương Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) vượt qua lũy tre làng đến với thế giới bằng cách làm homestay kết hợp trải nghiệm sinh thái quế.

Xã Xuân Hòa từ lâu đã được người dân biết đến là nơi có diện tích trồng quế lớn nhất huyện Bảo Yên. Huệ là giáo viên ngoại ngữ nên thông thạo tiếng Anh, còn chồng chị thường xuyên dẫn khách đi tour tại Sa Pa, cũng ấp ủ mong muốn tự xây dựng một cơ sở lưu trú. Hai vợ chồng chưa từng nghĩ đến việc cây quế lại trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Vợ chồng Huệ có người mẹ nuôi người phương Tây hay làm từ thiện và rất thích du lịch Lào Cai. Trong chuyến thăm gia đình, khi đi tham quan vườn quế, bà vô cùng thích thú và nảy ra ý định giúp hai vợ chồng phát triển thành mô hình du lịch sinh thái cho du khách trải nghiệm. Bà đã hướng dẫn hai vợ chồng từ những bước đi nhỏ nhất, giới thiệu những vị khách đầu tiên đến homestay.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quế hàng chục ha, có những cây hơn 10 năm tuổi, cây mới trồng cũng đã được 3 năm. Huệ tâm sự: Là những người tiên phong, vợ chồng tôi giống như khai hoang một vùng đất mới. Có những tháng không có nổi một khách nhưng chúng tôi không nản, cố gắng kết nối và hoàn thiện homestay để có chất lượng phục vụ tốt hơn.

Alun Griffiths - khách du lịch đến từ Tây Ban Nha - vô cùng thích thú khi có chuyến trải nghiệm tại khu sinh thái quế. Cô thốt lên: “Thật tuyệt vời! Tôi được thức dậy ở một ngôi nhà rất yên tĩnh, xung quanh là cây rừng tỏa mùi hương rất lạ. Chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị khi được xem người dân trồng quế, cùng chặt quế, bóc quế, thăm đời sống của người dân và cùng nấu những món ăn hấp dẫn từ quế”.

Huệ là phụ nữ khéo léo, đảm đang, hầu hết các món ăn dành cho du khách tự tay cô nấu. Những món ăn dân dã của người dân bản địa như nộm hoa chuối, gà bản xào quế, gà đồi rang… để lại ấn tượng với du khách. Cinnamon Eco Lodge của vợ chồng Huệ là khu sinh thái đầu tiên và duy nhất có khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng tại Xuân Hòa. Trung bình mỗi tháng, homestay đón khoảng 10 - 15 đoàn khách. Khi khách ra về, gia đình thường tặng khách những món quà nhỏ xinh từ quế để làm kỷ niệm như vỏ hoặc tinh dầu quế, khiến du khách thích thú.

Huệ đã thành lập trang web riêng cho khu nghỉ dưỡng của gia đình và luôn được khách đánh giá 5 sao về chất lượng dịch vụ. Sau 3 năm mở khu nghỉ dưỡng, rất nhiều khách du lịch đã quay trở lại, họ thậm chí còn góp ý giúp dịch vụ tốt hơn, có khách sau khi rời đi còn gửi quà cho Huệ và bày tỏ sự ấn tượng, thích thú với một cô gái làm du lịch tại vùng quê này.

Biến nghề truyền thống thành dịch vụ “ăn khách”

Khác với Mảo và Huệ, Lò Lở Mẩy - cô gái dân tộc Dao đỏ ở thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú (Văn Bàn) khởi nghiệp khi chưa có kiến thức về du lịch. Vậy mà gia đình Mẩy lại trở thành hộ đầu tiên làm dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ phục vụ khách tại thôn Lâm Sinh.

Lò Lở Mẩy đầu tư lò đun dung tích lớn để phục vụ du khách.

Với người dân tộc Dao đỏ, hái lá thuốc để đun nước tắm là công việc thường xuyên, ăn sâu vào nếp sống. Mẩy lên rừng hái lá thuốc tắm cho cả gia đình mỗi ngày và giờ đây, công việc đó trở thành dịch vụ phục vụ khách, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Cơ duyên đến với Mẩy vào năm 2015, một khách “phượt” đến thôn Lâm Sinh ngắm thác Bay và trên đường quay về vô tình ghé vào nhà Mẩy xin ở nhờ. Sau một đêm được tắm và ngâm mình trong thùng nước lá thuốc, vị khách thích thú và động viên gia đình biến công việc truyền thống trở thành dịch vụ. Mẩy không nhớ rõ tên vị khách nhưng cô luôn ghi nhớ trong đầu hình ảnh lúc vị khách chuẩn bị rời đi đã đưa cho cô một tờ 500 nghìn đồng và khuyến khích cô làm thêm thùng nước để du khách tắm.

Lời khuyên của vị khách khiến Mẩy tìm được một con đường mới, cô cùng chồng làm thêm thùng tắm, lấy thêm lá thuốc, hy vọng có thêm nhiều vị khách tìm đến. Tuy nhiên, ở nơi xa xôi ấy không một vị khách nào biết đến dịch vụ của gia đình. Những ngày đầu không điện thoại, không mạng xã hội, Mẩy cùng người thân quảng cáo bằng cách truyền miệng, liên kết với những hộ làm dịch vụ ăn uống tại địa phương để tiếp cận khách, thông qua chính quyền địa phương để nhiều người biết đến dịch vụ của gia đình. Dần dần, đã có đoàn khách đến trải nghiệm dịch vụ của gia đình và tỏ ra hài lòng. Sau 5 năm làm dịch vụ tắm lá thuốc, lượng khách của gia đình Mẩy đã đều đặn hơn, mỗi tuần có khoảng 15 - 20 khách.

Để bảo tồn những loài cây quý, Mẩy nhân giống cây, trồng thêm cây thuốc tại vườn nhà. Thời điểm đông khách, Mẩy còn thuê thêm vài phụ nữ trong thôn đi hái thuốc. Mẩy bảo, muốn mở thêm dịch vụ ăn uống để phục vụ khách sau khi tắm lá thuốc. Trong thôn còn có 3 hộ làm dịch vụ, tuy nhiên gia đình cô có quy mô lớn nhất. Đầu năm 2018, các hộ đã thành lập Hợp tác xã Thác Bay để cùng nhau phát triển nghề truyền thống và phục vụ du khách...

Mảo, Huệ và Mẩy là những phụ nữ khác nhau về dân tộc và tuổi đời nhưng đều có chung niềm đam mê làm dịch vụ du lịch. Những phụ nữ tiên phong mở con đường mới, tuy gian nan, vất vả nhưng với quyết tâm và nghị lực, họ đã khẳng định được vị thế của mình và hứa hẹn mang đến những điều mới mẻ cho du lịch cộng đồng ở vùng cao Lào Cai.

Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/du-lich/bong-hong-lam-du-lich-z9n20200109115001899.htm