Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Lương hưu sẽ áp dụng 'mức cao nhất có thể' sau ngày 1/7

Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đối với công nhân viên chức, cũng áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể.

Thông tin trên được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập khi giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chiều 27/5.

Đề cập đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền.

"Lần này có tiền rồi, chúng ta có khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo ông Đào Ngọc Dung, cải cách tiền lương là vấn đề mới, phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm. Trong đó, vị trí việc làm phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài và thường xuyên.

Trước những băn khoăn về việc thay thế mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu khi cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, bản chất mức tham chiếu là một khái niệm thay thế cho mức lương cơ sở, "bản chất không có vấn đề gì".

"Đối với vấn đề hưu trí, Thường trực Chính phủ đã họp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người hưởng lương hưu từ ngày 1/7, khi cải cách tiền lương với công nhân viên chức, thì cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất phải xử lý.

"Mục tiêu lớn nhất là làm sao vừa thực hiện đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu có lương, nhưng cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng nêu.

Với các mục tiêu vừa phân tích, Chính phủ đưa ra 2 phương án nên đã tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức hội thảo nghiên cứu, trao đổi. Đến ngày 22/5, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến và thấy rằng không có thêm phương án nào khác.

"Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cũng tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích, theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá thấy rằng, nếu cộng hai phương án thì cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm", ông Đào Ngọc Dung nói.

Từ thực tế đó, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong hai phương án.

Ngoài ra, theo ông Đào Ngọc Dung, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta có nhiều giải pháp, trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động về vay vốn, tín dụng...

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành, là 12 tháng không thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.

Phương án 2 thay đổi theo hướng dẫn cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí và Quỹ tử tuất, phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-ld-tb-xh-luong-huu-se-ap-dung-muc-cao-nhat-co-the-sau-ngay-1-7-ar873553.html