Bộ Tài chính đẩy mạnh hợp tác với JFSA trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán
Sáng ngày 21/3/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với ông Nakajima Junichi - Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) trao đổi về các nội dung hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán.
Tham dự cuộc làm việc về phía Nhật Bản còn có ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Okada Hiroshi - Phó Giám đốc Quốc gia Phụ trách Việt Nam; ông Hidaka Yoshihito - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện Lãnh đạo các Vụ, Phòng của JFSA. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam, có Lãnh đạo Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Vụ Hợp tác quốc tế.
Chào mừng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức của nước này thời gian qua đã thúc đẩy quan hệ hợp tác quan trọng giữa hai quốc gia. Bộ trưởng nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam, là quốc gia hỗ trợ vốn ODA lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin tưởng, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển hiệu quả và bền vững.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay thời cơ và thuận lợi về phát triển kinh tế của Việt Nam đang rất thuận lợi. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn về kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt hơn 8%; Chỉ số CPI bình quân tăng 3,15% so với năm 2021; Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 730 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD... Đặc biệt, nợ công giảm xuống còn khoảng 38% GDP; Bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% trong ngưỡng Quốc hội cho phép... Điều đó khẳng định dư địa cho huy động các nguồn vốn phát triển đầu tư công của Việt Nam rất lớn.
Về thu chi ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2022 đã ghi nhận một năm bội thu ngân sách. Mặc dù Bộ Tài chính đã thực hiện miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp khoảng 233 nghìn tỷ đồng, nhưng số thực thu vẫn đạt 1.813 nghìn tỷ đồng...
Năm 2022, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tăng trưởng 14,51% so với năm 2021. Về trái phiếu Chính phủ (TPCP), tính đến hết năm 2022, dư nợ TPCP đạt 2,0 triệu tỷ đồng, tương đương 21,1% GDP. Kỳ hạn phát hành bình TPCP quân duy trì ở mức cao, đạt 12,7 năm, trong khi lãi suất phát hành bình quân ở mức thấp với 3,48%/năm...
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vừa qua đã gặp một số khó khăn, khi đang trong quá trình xây dựng thị trường vốn, kỳ vọng thu hút vốn trên nguyên tắc tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến cơ quan chức năng phải xử lý hình sự.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xử lý hình sự đối với vi phạm trật tự kinh tế trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự lành mạnh cho thị trường. Hiện nay, ngoài một số khó khăn về thanh toán trái phiếu đến hạn của một số doanh nghiệp vi phạm thì phần lớn doanh nghiệp trên thị trường đều đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị JFSA tiếp tục phối hợp với Việt Nam để thúc đẩy tạo ra giá trị chung toàn cầu và đảm bảo cho lợi ích của hai quốc gia. Đặc biệt, tạo điều kiện cho lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và minh bạch, qua đó thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý thị trường bảo hiểm cũng như kinh nghiệm trong quản lý thị trường trái phiếu...
Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Giám đốc JFSA cảm ơn Bộ trưởng và Bộ Tài chính Việt Nam đã dành thời gian tiếp đoàn. Ông Nakajima Junichi bày tỏ cảm phục với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua, thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ông đánh giá cao sự lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam để trở thành một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương, kiềm chế được lạm phát và duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính Nhật Bản, ông Nakajima Junichi cho biết, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ quan đã được xây dựng từ lâu. Trong hơn 10 năm qua, hai bên đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo quan trọng. Phía JFSA đã hỗ trợ đào tạo cán bộ của Bộ Tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Đồng tình với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Giám đốc JFSA cho hay, việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch thị trường vốn hiện nay là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thị trường và vai trò của công tác thanh kiểm tra nhằm nâng cao độ tin cậy của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Nakajima Junichi khẳng định, trong thời gian tới, phía JFSA sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam trong việc tham gia Diễn đàn quốc tế của các nhà quan lý đối với hoạt động kiểm toán độc lập cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý thị trường bảo hiểm, chứng khoán...
Tại cuộc làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số; áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý giám sát lĩnh vực bảo hiểm, huy động nguồn vốn... Bên cạnh các nội dung này, Đoàn công tác của Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong tương lai vào Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu phát bền vững thị trường tài chính, thị trường vốn...