Bộ Nội vụ: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ được xem xét, quyết định vào thời điểm hợp lý

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 (sáng 19/7) Bộ Nội vụ tổ chức họp báo để giải đáp những thắc mắc liên quan đến đề xuất sáp nhập một số tỉnh thành và tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đươc thực hiện theo Nghị quyết 653/2019 và tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin đến báo chí về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (sáng 19/7)

Theo đó, tại cuộc họp báo giải đáp những thắc mắc nói trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là một vấn đề quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Nhấn mạnh về vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, trước khi tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016 để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với việc tiếp tục sắp xếp thôn, bản và tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

"Đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia" , Thứ trưởng Bộ Nội vụ giải thích.

Đặc biệt, khi nghiên cứu đề xuất sắp xếp cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ còn phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số...phong tục tập quán của từng địa phương cũng như quy hoạch vùng và quốc gia.

"Trên tinh thần phải đảm bảo mục tiêu phát triển và ổn định kinh tế của từng địa phương" . Vì vậy, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cần phải có đủ thời gian để khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện, kỹ lưỡng, thận trọng và hợp lý.

"Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm hợp lý, không ấn định thời gian nào" , Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Theo Bộ Nội vụ, dựa vào kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố năm 2019 thì 10 tỉnh dân số ít nhất hiện nay (dân số chỉ dao động từ 314 - 733 nghìn người) gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang.

10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên do Bộ Nội vụ đề xuất, có thể bị sáp nhập gồm: Tỉnh Bắc Ninh 822,7 km2; tỉnh Hà Nam 860,5 km2, tỉnh Hưng Yên 926 km2, tỉnh Vĩnh Phúc 1.238,6 km2, TP Đà Nẵng 1.285,4 km2, tỉnh Ninh Bình 1.378,1 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2, tỉnh Vĩnh Long 1.475 km2, tỉnh Thái Bình 1.570,5 km2, tỉnh Nam Định 1.652 km2.

Với mục tiêu đó, Bộ tham mưu bổ sung một điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác. Cụ thể, quy mô dân số tại đây phải từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%)...

Tiêu chuẩn vùng cao cũng được đề xuất sửa đổi theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định. Tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận cũng tăng lên để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn (lần lượt là từ 180.000 người trở lên, từ 120.000 người trở lên và từ 200.000 người trở lên).

Tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường được sửa đổi theo hướng quy định rõ Bộ Xây dựng có thẩm quyền đánh giá để thống nhất với Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã sửa đổi từ 100 km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện...

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1211//2016/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 653/2019, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước đã được khắc phục cơ bản.

Kết quả bước đầu, cả nước giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 còn 705), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 còn 10.599). Các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị). Các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn). Mô hình "thành phố trong thành phố" đã được triển khai (thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh).

Minh Diễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-noi-vu-viec-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-se-duoc-xem-xet-quyet-dinh-vao-thoidiem-hop-ly-post145294.html