Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường qua hoạt động ngoại khóa
Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình hiện có 395 học sinh. 100% học sinh là đồng bào dân tộc Mường. Những năm qua, bằng việc giáo dục văn hóa, kỹ năng sống kết hợp với nỗ lực đưa những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vào trong từng tiết học, từng hoạt động của nhà trường đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từ đó, tạo cho các em không khí thoải mái, tự tin trong học tập và khi tham gia các hoạt động ngoài cộng đồng.
Đinh Bùi Ngân Hà là cô học trò dân tộc Mường, hiện đang học lớp 11A, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình. Hà sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Cúc Phương (Nho Quan), nơi có trên 90% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Thế nhưng chỉ đến khi được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa tại trường, Ngân Hà mới có hứng thú để tìm hiểu sâu hơn về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Những cách nấu ăn dân dã, gắn với nhiều thế hệ đồng bào Mường như cách đồ xôi, đồ rau, hôm nay Ngân Hà mới được tự tay thực hiện, dưới sự hướng dẫn của cô giáo và sự cổ vũ của bạn bè trong lớp. Từ khâu lựa gạo, ngâm gạo rồi cách đồ xôi, đồ rau… rồi bày biện lên đĩa.
"Món ăn rất đơn giản, nhưng để làm thật ngon, nổi bật được sức hấp dẫn đặc trưng của đồng bào Mường thì phải học làm thật tỉ mỉ. Bên cạnh đó, mỗi món ăn tuy dân dã nhưng ở đó là cả những câu chuyện dài về chiều sâu văn hóa. Nếu sau này có khách xa tới nhà hoặc có dịp đi đâu chơi xa, chắc chắn em sẽ thực hiện những món ăn mà mình đã được học nấu này để thiết đãi bạn bè, giới thiệu về ẩm thực độc đáo của dân tộc mình"- Ngân Hà vui vẻ nói.
Linh, cô học trò đến từ xã Kỳ Phú (Nho Quan) cũng như bị mê hoặc bởi các câu chuyện về trang phục dân tộc, về quả còn mà các em vẫn chơi hàng ngày. Linh chia sẻ: Bên cạnh những tiết học văn hóa, em rất háo hức chờ đợi các hoạt động ngoại khóa hoặc những tiết học có lồng ghép giới thiệu về văn hóa, lịch sử của dân tộc Mường, như môn Văn học, Giáo dục công dân, Lịch sử, địa lý… Thông qua những những hình ảnh mà các thầy cô dày công sưu tập và thể hiện rất phong phú, sinh động, chúng em được tường tận hơn về các sắc thái của dân tộc mình. Sự đa dạng của sắc màu văn hóa làm em thêm yêu, thêm tự hào về dân tộc mình.
Các tiết học được lồng ghép, giới thiệu văn hóa dân tộc Mường nhằm tạo hứng thú cho các em học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Ninh là một trong số những giáo viên dân tộc Kinh của Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình. Nhưng cũng như tất cả các giáo viên trong nhà trường, cô Ninh có thể nói vanh vách về những phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường.
Cô Ninh chia sẻ: Bản thân tôi dạy môn địa lý, nhưng với mong muốn được góp phần "truyền lửa", giúp các em học sinh thêm hiểu để thêm yêu, thêm tự hào về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường, tôi đã tìm hiểu qua đồng nghiệp, tư liệu và đặc biệt là qua chính các bậc phụ huynh. Từ đó, tôi có cách riêng để lồng ghép, giới thiệu văn hóa Mường vào tiết học của mình một cách phù hợp, tạo hứng thú cho các em học sinh. Mỗi giờ lên lớp thực sự là một trải nghiệm khám phá, đôi khi như là một chuyến du lịch ở trên chính mảnh đất đã gắn bó với các em suốt thuở ấu thơ.
Là người dân tộc Mường, hơn ai hết, cô giáo Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú càng hiểu trách nhiệm của người thầy, của thế hệ trước trong việc bồi đắp cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, yêu dân tộc mình thông qua những hình ảnh, những hoạt động đặc sắc, sinh động về một nền văn hóa rất riêng.
Cô giáo Đinh Thị Ngoan chia sẻ: Ngoài việc tích hợp, lồng ghép để bổ sung cho các em các kiến thức văn hóa dân tộc vào trong các môn học, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
Ở các buổi hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã tổ chức nhiều tiết mục hấp dẫn bằng các hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tìm hiểu thực tế tại các địa điểm di tích lịch sử; tổ chức các phiên chợ tết nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sản vật của khu vực, những món ăn do chính các em làm như gói bánh chưng, đồ xôi, đồ rau, canh đắng, nem chua… Qua đó, giúp các em hiểu được về giá trị văn hóa của dân tộc mình, được tiếp cận và góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.Ngoài ra, còn có các môn thể thao dân tộc như ném còn, kéo co, đánh cù, đi cà kheo, đẩy gậy, đốt lửa trại…
Nếu trước đây, có nhiều học sinh còn thiếu tự tin về dân tộc mình thì nay các em đã tự tin tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng, địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhà trường đã có học sinh đạt giải ba cuộc thi Người đẹp Hoa Lư. Em học sinh đạt giải đã chia sẻ với các bạn học trong một lần giao lưu rằng, hành trang đến với cuộc thi của em là vẻ đẹp của núi rừng, là lòng tự hào về sự đặc sắc trong văn hóa dân tộc. .. Tinh thần ấy đã tạo năng lượng tích cực để các cô, cậu học trò tự tin vươn lên trong học tập tự khẳng định được bản thân mình ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Nói về nỗ lực đưa văn hóa dân tộc vào trường học trong thời gian tới, cô Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, còn một hoạt động mà nhà trường chưa có điều kiện thực hiện được đó là đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học. Hiện nay, nhà trường đã trang bị được một bộ chiêng. Dẫu vậy, do chưa tìm được một nghệ nhân phù hợp để truyền dạy nên bộ chiêng cũng mới chỉ để trưng bày trong phòng truyền thống.
Thời gian tới, nhà trường rất mong sẽ tìm được nghệ nhân để giới thiệu, hướng dẫn học sinh hiểu và có thể biểu diễn được môn nghệ thuật độc đáo này, để các em có thể biểu diễn trong những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của địa phương, quê hương và dân tộc.