Bản tin sáng 15/5: Quốc hội sắp thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Tin tức đáng chú ý sáng 15/5: Quốc hội sắp thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Đề xuất xử phạt nặng vi phạm liên quan đến tài sản mã hóa tại Việt Nam; Chuyển đổi đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời; Đề xuất không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần mỗi năm, trừ khi có vi phạm rõ ràng; Tri thức dân gian sâm Ngọc Linh là di sản văn hóa quốc gia... và một số thông tin đáng chú ý khác.

Quốc hội sắp thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Sáng 17/5, Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hiện thực hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5. Trước đó, ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tính cấp bách của việc ban hành nghị quyết này nhằm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, tương tự mô hình đã áp dụng với Nghị quyết 193 trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Gia Hân

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Gia Hân

Nghị quyết sẽ tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tiếp cận đất đai, tín dụng, mua sắm công, PPP, và đào tạo nhân lực.

Tinh thần đổi mới tư duy quản lý được khẳng định: Nhà nước chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo phát triển, đồng thời bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và FDI. Quốc hội cũng dự kiến sửa đổi nhiều luật liên quan tại kỳ họp lần này để bảo đảm hiệu lực triển khai nghị quyết.

Đề xuất xử phạt nặng vi phạm liên quan đến tài sản mã hóa tại Việt Nam

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến tài sản mã hóa. Theo đó, nhà đầu tư không mở tài khoản và không chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ tại các tổ chức được cấp phép ở Việt Nam có thể bị phạt từ 100 – 200 triệu đồng.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa cũng chịu mức xử phạt nặng nếu vi phạm các quy định. Cụ thể, phạt từ 300 -500 triệu đồng nếu không xác minh danh tính nhà đầu tư; từ 1 - 1,5 tỷ đồng nếu không quản lý tách biệt tài sản khách hàng hoặc không giám sát giao dịch đúng quy định. Hành vi tự doanh, lưu ký tài sản, hoặc phát hành tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và an ninh công nghệ thông tin sẽ bị xử phạt theo quy định chuyên ngành. Dự thảo này đang được lấy ý kiến và bổ sung trong bối cảnh Quốc hội xem xét Luật Công nghiệp công nghệ số, có nội dung điều chỉnh tài sản số.

Chuyển đổi đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời

Chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhấn mạnh định hướng đổi mới trong công tác đánh giá công vụ. Theo đó, việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ chuyển từ định tính sang định lượng, dựa trên kết quả đầu ra và chỉ số KPI gắn với vị trí việc làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Gia Hân

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Gia Hân

Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí đánh giá công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ số và kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời. Đồng thời, dự luật xác định vị trí việc làm là nền tảng cho mọi hoạt động nhân sự như tuyển dụng, đào tạo, trả lương… Ngạch công chức chỉ còn là công cụ kỹ thuật, tích hợp trong khung năng lực của từng vị trí.

Đáng chú ý, dự luật cũng đề cao vai trò của người có tài năng trong công vụ, với cơ chế thu hút, sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách nhân sự chiến lược, nhất là ở các lĩnh vực trọng yếu như công nghệ số, kinh tế, môi trường, giáo dục… nhằm xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, dựa trên năng lực thực chất.

Đề xuất không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần mỗi năm, trừ khi có vi phạm rõ ràng

Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo đề xuất nguyên tắc mới: không thanh tra, kiểm tra mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá một lần trong năm, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra để gây nhũng nhiễu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: Gia Hân

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: Gia Hân

Dự thảo cũng đề xuất tăng cường hậu kiểm, ưu tiên kiểm tra từ xa bằng dữ liệu điện tử, giảm thiểu kiểm tra trực tiếp. Doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực địa. Việc cấp phép/chứng nhận điều kiện kinh doanh cũng sẽ chuyển dần sang cơ chế công bố và hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực đặc thù.

Các quy định mới hướng đến mục tiêu giảm chồng chéo, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tri thức dân gian sâm Ngọc Linh là di sản văn hóa quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại hình tri thức dân gian gắn liền với đời sống và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Xơ Đăng.

Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Lê Trung

Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Lê Trung

Sâm Ngọc Linh, còn gọi là “cây thuốc giấu”, từ lâu được xem là loại dược liệu quý với giá trị chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cao. Đồng bào cư trú quanh vùng núi Ngọc Linh đã tích lũy kiến thức quý báu trong quá trình trồng, nhân giống và chế biến loại sâm này, hình thành nên một hệ thống tri thức dân gian hoàn chỉnh.

Việc công nhận này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Nam Trà My, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Tập quán sản xuất cũng đã chuyển từ khai thác tự nhiên sang mô hình canh tác chuyên sâu, giúp người dân từng bước thoát nghèo.

Đề xuất hợp pháp hóa làm việc từ xa trong khu vực công

Chiều 14/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề xuất chính thức công nhận làm việc từ xa và trực tuyến là phương thức hợp pháp trong khu vực công, phù hợp với vị trí việc làm và điều kiện công tác. Theo bà, đây là xu hướng phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và đã chứng minh hiệu quả qua thực tiễn, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu nhấn mạnh cần có cơ chế đánh giá công việc khách quan, khoa học, dựa trên kết quả đầu ra, mức độ hài lòng của người dân, ứng dụng nhật ký công tác điện tử, phần mềm giao dịch, và quy trình số minh bạch để kiểm tra, giám sát hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm quyết định và đảm bảo kỷ luật, chất lượng công việc khi áp dụng làm việc từ xa.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất xây dựng khung đánh giá riêng theo từng vị trí việc làm, tránh áp dụng một tiêu chí chung, nhằm bảo đảm đánh giá công bằng, minh bạch, khen thưởng thực chất và khích lệ đổi mới, sáng tạo trong công vụ.

Lực lượng công an dẫn đầu số lượng góp ý sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID

Chiều 14/5, tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 do Bộ Tư pháp tổ chức, Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, sau 7 ngày triển khai, đã có gần 745.000 công dân tham gia góp ý qua ứng dụng VNeID, với tổng cộng hơn 4,3 triệu lượt ý kiến, trong đó 99,94% tán thành nội dung dự thảo.

Ngành công an dẫn đầu với hơn 16.000 cán bộ tham gia (14,82%), tiếp theo là giáo viên, công chức, công nhân và học sinh. Về độ tuổi, người tham gia trải rộng từ dưới 18 đến trên 60 tuổi. Về dân tộc, người Kinh chiếm hơn 90%, theo sau là dân tộc Thái, Tày, Mường, Mông. Tỷ lệ giới tính khá cân bằng, nam 52%, nữ 48%.

Các địa phương có tỷ lệ tham gia cao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nam và Nam Định. Ngược lại, một số tỉnh như Thanh Hóa, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau và TP.HCM ghi nhận tỷ lệ thấp.

Ứng dụng VNeID hiện là kênh chính thức để người dân góp ý sửa Hiến pháp, góp phần xây dựng báo cáo tổng hợp của Chính phủ.

Giá vàng thế giới lao dốc gần 69 USD/ounce, chênh lệch với vàng trong nước gần 20 triệu đồng/lượng

Tối 14/5, vào lúc 23 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh gần 69 USD/ounce, xuống còn 3.182 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương 100,2 triệu đồng/lượng, giảm 2,17 triệu đồng chỉ trong một buổi tối.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và Nga - Ukraine hạ nhiệt, nhiều bên nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình. Ngoài ra, Tòa thánh Vatican tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho các cuộc đối thoại.

Giá vàng lao dốc lúc 23 giờ tối 14/5

Giá vàng lao dốc lúc 23 giờ tối 14/5

Giá vàng mất dần động lực tăng khi các yếu tố hỗ trợ như lo ngại chiến tranh thương mại, lạm phát toàn cầu và kỳ vọng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương lớn dần suy yếu. Chuyên gia Trần Duy Phương dự báo giá vàng có thể giảm về mức 2.789 USD/ounce trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC bán ra cuối ngày ở mức 120 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn 9999 cao hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư đang chốt lời, chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới ở vùng giá thấp hơn.

Ông Trump ký loạt thỏa thuận trị giá hàng ngàn tỷ USD tại Qatar

Ngày 14/5, trong chuyến thăm chính thức đến Qatar, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế quan trọng với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, nâng tầm quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Theo Nhà Trắng, các thỏa thuận này có tổng trị giá ít nhất 1.200 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại lễ ký kết ở Doha, Qatar ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại lễ ký kết ở Doha, Qatar ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Nổi bật trong số đó là hợp đồng trị giá 96 tỷ USD của Qatar Airways nhằm mua 210 máy bay Boeing 787 Dreamliner và 777X sử dụng động cơ của GE Aerospace, được đánh giá là đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử Boeing. Ngoài ra, Qatar còn ký biên bản ghi nhớ mua thiết bị bay không người lái MQ-9 và đầu tư 38 tỷ USD vào căn cứ không quân Al Udeid cùng các hạng mục an ninh khác.

Tại lễ ký, ông Trump ca ngợi mối quan hệ “lâu năm và bền vững” giữa Mỹ và Qatar, khẳng định đây là bước tiến lớn về hợp tác chiến lược. Chuyến thăm của ông Trump là một phần trong hành trình tới các nước vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Qatar và UAE, giữa bối cảnh Qatar đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực hòa giải khu vực.

EU tung ra gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga

Ngày 14/5, đại diện 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga, tập trung vào việc kiểm soát các tàu chở dầu được cho là công cụ để Matxcơva lách lệnh cấm vận dầu mỏ. Dự kiến, gói biện pháp này sẽ được chính thức phê duyệt ở cấp ngoại trưởng EU vào ngày 20/5 và có hiệu lực sau khi công bố trên Công báo của EU.

Gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga sẽ chính thức được thông qua vào ngày 20/5 tới. Ảnh minh họa: Reuters

Gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga sẽ chính thức được thông qua vào ngày 20/5 tới. Ảnh minh họa: Reuters

Gói trừng phạt mới đưa khoảng 200 tàu chở dầu vào danh sách đen và mở rộng các biện pháp trừng phạt với công ty tại một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga. EU cũng bổ sung hàng chục quan chức Nga vào danh sách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản, liên quan đến các vụ tấn công mạng, vi phạm nhân quyền và hoạt động phá hoại tại châu Âu.

Dù được đánh giá là "hạn chế" hơn so với các vòng trừng phạt trước, động thái này phản ánh áp lực gia tăng lên Nga, trong bối cảnh EU cảnh báo sẽ có thêm biện pháp mạnh nếu Matxcơva không chấp thuận đề xuất ngừng bắn 30 ngày với Ukraine.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-sang-15-5-quoc-hoi-sap-thong-qua-nghi-quyet-ve-co-che-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-317860.html